• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nhà thơ Ngô Đức Hành, viết về quê hương với tất cả thẳm sâu

Nguoidepvn.vn - Tôi thuộc về quê, nói thật được về thăm quê, nói đầy đủ giọng quê, phương ngữ luôn cảm thấy “sướng rọt”. Được viết về quê hương, dù hay hoặc chưa hay, với tôi là hạnh phúc.

Nhà thơ, nhà báo Hoàng Vân Khánh (HVK): Thưa nhà thơ, nhà báo Ngô Đức Hành, là cháu "Ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu, anh chịu ảnh hưởng gì từ Xuân Diệu không?

Cũng không hiểu làm sao, họ Ngô Trảo Nha (nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) có nhiều nhà thơ, nhà báo. Trước hết là Ngô Đức Kế, hiệu Tập Xuyên, chí sỹ, nhà thơ, nhà báo đầu thế kỷ XX; tiếp là nhà báo, nhà thơ Ngô Đức Mậu – Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Thanh Hóa những ngày đầu mới thành lập Đảng, nhiều người biết làm thơ khác, dẫu chưa thành danh. Đặc biệt là Xuân Diệu (tên thật là Ngô Xuân Diệu) một nhà thơ lớn, được coi là một trong những “chủ soái” của Phong trào Thơ mới.

Với tôi, Xuân Diệu rất gần gũi, vì bố tôi và nhà thơ Xuân Diệu là cháu bác, cháu chú ruột rà, cùng thờ một ông nội. Tôi gọi nhà thơ Xuân Diệu là bác thúc bá (từ phổ thông là bác họ). Tuy nhiên, Xuân Diệu sinh ra ở quê mẹ - Quy Nhơn, lớn lên tham gia hoạt động Việt Minh và ra Hà Nội từ rất sớm. Những năm còn chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, nhân chuyến công tác Khu 4 cũ của Xuân Diệu tôi mới gặp ông. Sau này tôi ra Hà Nội học thì mới thi thoảng đến nhà ông ở 24 phố Cột Cờ (nay là đường Điện Biên).

Dù cơ hội gặp gỡ chỉ như thế nhưng tôi vẫn được ảnh hưởng chứ. Thứ nhất là, tình cảm yêu thương, đoàn kết trong gia đình, họ tộc; thứ hai là thái độ đam mê sống, lăn xả dâng hiến, nhận ra sự mong manh của đời sống nên ham muốn khát khao vĩnh cửu. Làm được gì đó là làm, gắng làm tốt, chu toàn; thứ ba, là căn cơ, nói vui nhé, sinh thời Xuân Diệu sống rất tiết kiệm, nhưng cũng sẵn sàng cho hết những gì tiết kiệm được.

Nhà thơ Ngô Đức Hành.

HVK: Xuất bản 6 tập thơ, từ tập "Duyên thơ" (in chung, năm 2010) đến tập "Câu hát tìm anh"(năm 2019), mạch chủ đạo chung chính là tình cảm đối với quê hương và con người xứ Nghệ, anh có thể chia sẻ về các tập thơ này được không ạ?

Thực ra thì tôi làm thơ cũng rất sớm, thời học phổ thông đã làm các bài thơ ngô nghê, học đại học cũng vậy. Nhưng mãi năm 24 tuổi tôi mới đăng bài thơ đầu tiên trên báo. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình dấn thân vào con đường thơ ca, và rồi bươn bả, sấp ngửa với cơm áo gạo tiền nên “quên thơ”. Mãi những năm 90 tôi mới trở lại với thơ, và cũng tới năm 2010, mới in chung trong “Duyên thơ”, NXB Giao thông vận tải. Tôi coi đến với thơ như là cái “duyên” Trời xe vậy. Năm 2015 tôi in “Ví giặm quê mình”; năm 2017, tôi in “Con đường rạ rơm” và “Ballad đêm”; năm 2019 tôi in “Khái niệm” và “Câu hát tìm anh”. Các tập thơ này đều do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép.

Cảm xúc chủ đạo của thơ tôi vẫn là tình yêu, cuộc sống, quê hương và đất nước. Ngay tên các tập thơ đã nói lên tôi viết gì rồi. Ký ức quê làng là mạch cảm chủ đạo, xuyên suốt trong các tập thơ, dẫu phong cách, thi pháp có khác nhau. Ví dụ: “Khái niệm” là tập gồm 50 bài thể lục bát; “Ballad đêm” tiếp cận và thể hiện bằng thi pháp hiện đại.

HVK: Anh viết thơ lục bát về quê hương rất đằm thắm, sâu nặng. Trong số những bài thơ ấy, anh thích nhất bài thơ nào? Xứ Nghệ trong ấy ân tình đến vậy sao?

Thơ của mình thì mình phải thích rồi, “văn mình vợ người” mà. Về “thích nhất” thì khó nhỉ? Nhưng tôi xin trả lời gián tiếp nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm thì thích bài “Khái niệm”, tôi lấy làm tên chung cho tập thơ “Khái niệm”. Bài này nhà thơ Trần Đình Tùng từ Angola gửi về cho tôi một bài bình, ông gọi đây là bài thơ lớn, tất nhiên tôi không dám nghĩ thế, đó là quyền của người đọc. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật thì thích bài “Con đò”. Tôi cám ơn các bậc đàn anh, vì đó cũng là 2 bài tôi thích.

Nhà lý luận phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên thì cho rằng, “tập “Khái niệm” của nhà thơ Ngô Đức Hành là tập thơ có được giọng điệu riêng trong cách diễn ngôn về vùng đất Nghệ - Tĩnh, nơi có nhiều đặc trưng văn hóa mang đấu ấn vùng miền rất rõ nét, không trộn lẫn với bất cứ một vùng quê nào. Một bài hay một tập thơ có được một cái gì đấy, dù rất nhỏ nhoi, khiêm nhường gọi là đóng góp của riêng mình cho đời sống thi ca Việt đương đại cũng đã là điều vô cùng quý giá đối với một nhà thơ”

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, thì cho rằng: “Người gieo hạt trên cánh đồng, gặp thời lại được bàn tay chăm sóc khéo léo, hạt thóc vàng au, chắc chắn. Thế mà đôi khi người gieo gặp toàn hạt lép, trắng tay. Làm thơ cũng vậy, có bài, có câu hay, câu chưa hay, thậm chí dở… buộc phải vứt bỏ”. Không dễ để thành công tất cả, với nhà thơ nào cũng vậy. Tuy nhiên, ông viết tiếp: “Đọc những câu lục bát của Ngô Đức Hành tôi càng thấu hiểu anh - một trái tim đa cảm, đa tình. Đa cảm với bạn bè, đa tình trước cái đẹp. Sự diệu vợi ấy, trước tiên làm giàu có cho tâm hồn, tình yêu con người. Con người sẽ không xơ cứng, đóng khung trong khuôn mẫu nhất định. Trái lại con người biết sống thiện tâm, nhất là trong sáng tạo nghệ thuật”.

Tất nhiên, quê hương đối với tôi rất sâu nặng, ân tình, tôi nghĩ đời người có nhiều việc; phải báo hiếu cha mẹ và trả nghĩa quê hương. Đó cũng là hạnh phúc. Quê hương xứ Nghệ với tôi vừa mộc mạc, cụ thể, nhưng cũng đầy lãng mạn. Ở đó còn có những điều thiêng liêng: “quê là đôi mắt em tôi/ là vàng quả duối ngày tôi tặng nàng/ quê là một chuyến đò sang/ người về bên ấy tôi sang bên này…”, (Khái niệm 1)

HVK: Tập thơ mới xuất bản 2019 "Câu hát tìm anh" gồm 99 bài thơ anh viết về xứ Nghệ, quê hương, con người ẩn vào từng câu chữ thật sâu sắc, anh chia sẻ thêm về tập thơ này được không?

- Không biết các nhà thơ khác như thế nào, riêng tôi, viết mãi về quê vẫn thấy thiếu. Năm 2015 khi xuất bản “Ví giặm quê mình”, Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An đã làm chương trình “Tiếng thơ” về nó. Khi đó tôi đã nói, rất muốn làm một tập thơ về quê hương gồm 99 bài, thay cho miềm tự hào về Sông Lam – Ngàn Hống. Thực ra tôi vẫn viết về quê hương và chưa có ý định xuất bản đâu. Nhưng rồi cơ duyên đến. Tháng 12/2019 huyện Can Lộc – quê tôi kỷ niệm 550 năm địa danh Thiên Lộc – Can Lộc (năm 1469 vua Lê định danh).

Tôi đã mang tất cả quê hương xứ Nghệ (gồm Nghệ An và Hà Tĩnh) vào tập thơ này.

Tập thơ “Câu hát tìm anh” gồm 99 bài về xứ Nghệ

HVK: Làm báo, làm thơ ở Thủ đô hơn 40 năm nhưng trong thơ anh, xứ Nghệ luôn đau đáu khôn nguôi. Điều gì khiến nhà thơ Ngô Đức Hành trăn trở nhiều như thế?

- Dù sống ở đâu thì cũng không ai “bứng” được tôi khỏi quê hương. Mỗi con người luôn có một bố mẹ và thuộc về quê hương. Tôi nhớ nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh (Đà Nẵng), có 2 câu thơ khá hay, đại ý: “Ngày xưa tôi sống ở làng/ Bây giờ làng sống trong tôi”.

Tôi nghĩ trăn trở về quê hương không riêng mình đâu. Tôi thuộc về quê, nói thật được về thăm quê, nói đầy đủ giọng quê, phương ngữ luôn cảm thấy “sướng rọt”. Được viết về quê hương, dù hay hoặc chưa hay, với tôi là hạnh phúc.

Điều lệ cuộc thi Giọng ca vàng Bolero Việt Nam 2020

PG/ Theo Hoàng Vân Khánh - Baophapluat.vn

https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/nha-tho-ngo-duc-hanh-viet-ve-que-huong-voi-tat-ca-tham-sau-d119589.html

 

SmartNews.Com

Đơn vị chủ quản: CÔNG TY CP PT THƯƠNG HIỆU 24G
 Số 17A, Ngõ 5, đường Hàm Nghi, Tổ 47, Phường Cầu Diễn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Email: nguoidepvn.vn@gmail.com
Chỉ đạo nội dung: Th.s Phạm Ngọc Đóa, Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Thị Vinh |
Liên hệ: 0947.266.568.| 0978.680.123
 
 
Chọn chế độ hiển thị:

Style Sitting

Fonts

Layouts

Direction

Template Widths

px  %

px  %