Hương vị Tết không thể thiếu
- Được viết ngày Thứ sáu, 13 Tháng 1 2017 04:00
Nguoidepvn.vn - Mỗi năm Tết về, cái hình ảnh truyền thống khiến người ta nhớ về Tết nhiều nhất, khiến người ta yêu thương Tết và bồi hồi những dâng dâng cảm xúc nhiều nhất có lẽ đó là bánh chưng xanh.
Đi từ câu chuyện Lang Liêu hồi bé tạo nên sự tích về bánh chưng, bánh giầy. Hay cái quan niệm “trời tròn, đất vuông” đi theo tâm niệm của người Việt không biết bao nhiêu đời, nhưng hình ảnh bánh chưng giản dị mà vô cùng ý nghĩa như thể nó chính là sự tổng hòa của đất với những gì tinh túy từ thiên nhiên ban tặng người Việt.
Mà kể cũng lạ, người Việt nấu bánh chưng đã ngàn đời nay, từ đời Vua Hùng mấy ngàn năm về trước, trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến cố lịch sử. Trong cả ngàn năm đồng hóa, người Việt vẫn giữ trọn cái nếp nhà. Bánh chưng vẫn đi qua những mùa Tết để gắn bó tình cảm gia đình, làng xóm bền chặt hơn.
Không chỉ người con sống trên đất Việt mới nhớ bánh chưng, mà những người con nơi phương xa cũng nhớ bánh chưng da diết. Nơi xứ người xa xôi, không mấy người biết tới bánh chưng, cũng không kiếm được nơi nào có lá dong mà làm bánh. Nên hình ảnh chiếc bánh vuông xanh buộc lạt trắng giản dị mà xúc động lắm. Có những khi nước mắt chực trào ra.
Có lẽ vì thế mà người ta nhớ bánh chưng như nhớ Tết. Người ta nhớ Tết như nhớ về màu bánh tổ tiên. Bánh chưng ấy, thứ bánh dân tộc đầy giản dị mà yêu thương của tết Việt, nó không chỉ là món ẩm thực ngày tết mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa tâm linh, được ví như là một món quà của tổ tiên người Việt truyền lại, trở thành linh hồn của ngày Tết.
Dẫu giờ đây trước bao biến đổi của đời sống văn hóa xã hội, nhưng không khí những ngày giáp Tết bây giờ vẫn hiển hiện cảnh, các bà các chị tất bật, nào rửa lá dong, nào ngâm gạo hay đãi đỗ, cảnh trẻ con mặt mũi háo hức ngồi xem bố mẹ gói bánh, cảnh già trẻ lớn bé ngồi trông nồi bánh chưng qua đêm dù ngoài trời sương lạnh, buốt giá nhưng vẫn không át được không khí ấm nồng.
Đúng là, dù thời gian có đổi thay và công cụ để nấu chín chiếc bánh chưng ngày nay có nơi, có chỗ cũng đã thay thế bằng nồi áp suất hoặc lửa ga, nhưng chiếc bánh chưng vẫn thế vẹn nguyên từ dáng hình cho đến nguyên liệu. Vẫn gạo nếp, đậu xanh, nhân thịt, lá dong, lạt mềm không chỉ nhắc nhở mỗi người về một món ăn mang đậm biểu trưng văn hoá của dân tộc, mà còn khiến cho mỗi người dân đất Việt tự hào hơn, trân quý hơn một sản vật linh thiêng của ngày Tết sum họp, như hồn của Tết Việt trường tồn mãi với thời gian.
VH - Theo Phapluatplus