Sự lựa chọn của Thúy Kiều và chị Dậu trong quan điểm của giới trẻ hiện nay
- Được viết ngày Thứ sáu, 30 Tháng 6 2017 05:01
Nguoidepvn- Hai nhân vật chính “Thúy Kiều” trong tác phẩm “truyện Kiều” và “Chị Dậu” trong tác phẩm “Chị Dậu” tuy ở 2 giai đoạn, hai thế kỉ khác nhau nhưng lại có những nét tương đồng sâu sắc.
Bài viết của tác giả Nguyễn Thị Thùy Linh được đánh giá khá cao với lối tư duy phong phú và giàu hình ảnh của nhân vật Thúy Kiều và Chị Dậu.
Tác giả Nguyễn Thị Thùy Linh
Khi nói đến Thúy Kiều và Chị Dậu tác giả Thùy Linh có viết rằng: “Hai nhân vật chính “Thúy Kiều” trong tác phẩm “truyện Kiều” và “Chị Dậu” trong tác phẩm “Chị Dậu” tuy ở 2 giai đoạn, hai thế kỉ khác nhau nhưng lại có những nét tương đồng sâu sắc. Nhân vật Thúy Kiều bán mình chuộc cha, Chị Dậu bán con chuộc chồng, một bên thì hiếu, một bên thì tình. Đối với dân tộc Việt Namchữ “Hiếu” trong “đạo hiếu” và chữ “Tình” trong “tình nghĩa” được hình thành từ xa xưa, gắn liền với phong tục thờ cúng tổ tiên, lối sống, chuẩn mực đạo đức.
Nói về nhân vật Thúy Kiều. Gia đình Thúy Kiều bị oan nạn kinh hoàng như vậy, bằng cách nào để giải quyết? Trong nhà giờ đã không còn gì nữa, bọn tay sai đã vơ vét hết rồi, không có khả năng dùng tài chính của gia đình. Ba người đàn bà còn lại: mẹ, em gái, bản thân Kiều, ai sẽ đứng ra gánh vác? Mẹ lớn tuổi, em thơ dại, chỉ có Kiều phải đứng ra đảm đương lo liệu. Nhưng bằng cách nào? Ngày ấy, Kiều yêu Kim Trọng bằng tất cả sự đẹp nhất của thanh xuân, một tình yêu đẹp đẽ, vun đắp từ cả hai người. Ngày ấy nếu Kiều nhờ Kim Trọng giúp đỡ liệu nay kết cục có phải sẽ khác không? Nhưng Kiều không thể làm việc ấy bởi chuyện tình duyên của hai người vẫn còn trong tình trạng phải giấu giếm, danh nghĩa gì mà công khai trước cha mẹ, họ hàng của chàng trai cầu cứu, giúp đỡ và nếu Kim Trọng muốn giúp Thúy Kiều thì sẽ phải quay trở lại bỏ dở việc hộ tang chú, đánh mất chữ hiếu. Chẳng còn cách nào nữa Thúy Kiều đành bán thân, bán cả cuộc đời mới có thể chuộc cha.
Lại nói về Chị Dậu, nhà chị nghèo, nghèo lắm, nghèo vì sự bóc lột không nghỉ ngơi của bọn địa chủ tàn ác. Chồng chị thì suốt ngày bị đánh đập thừa sống thiếu chết, gông cùm vì thiếu tiền nộp sưu. Rồi một ngày không có tiền nộp sưu thuế, chồng chị bị bắt. Bỗng chốc chị trở thành người trụ cột của gia đình. Chồng bị bắt, bị gông cùm, đánh đập, một tay chị chèo chống, chạy vạy, phải bán tất cả những gì có thể bán được và bán cả cái Tý đứa con gái đầu lòng ngoan ngoãn, hiếu thảo mà chị thương đứt ruột để lấy tiền nộp sưu, cứu chồng khỏi vòng tù tội. Càng nghĩ càng thấy xót xa, liệu có phải người phụ nữ thì bao giờ cũng phải hy sinh? Chị đã phải đổ bao mồ hôi nước mắt để anh Dậu – chồng chị được trả tự do trong tình trạng tưởng như chỉ còn là một cái xác không hồn. Vậy sao chị không bán mình để chuộc chồng mà lại bán cái Tý, khúc ruột chị sinh ra, nó mới 6 tuổi, nó còn nhỏ rồi mai đây nỗi đau bán con sẽ theo chị mãi không thôi nhưng chị không còn cách nào khác. Nếu bán mình chuộc chồng rồi cái nhà này ai sẽ gánh vác, ai sẽ là trụ cột đây, ai tiếp tục kiếm tiền nộp sưu thuế, ai chăm sóc người chồng ốm yếu, bệnh tật, còn đàn con nheo nhóc đang khát sữa kia rồi không có chị chúng sẽ như thế nào? Bán cái Tý để chuộc chồng, có lẽ lúc này là sự lựa chọn duy nhất của chị, không còn cách nào khác nữa rồi… Cái Tý trả cho bố nó chữ Hiếu, chị trả cho chồng chị chữ tình…
Nếu, đặt mình vào vị trí của Thúy Kiều bạn sẽ làm gì? Với tôi, tôi cũng sẽ chọn cách như vậy “Công cha như núi Thái Sơn” , ơn sinh thành phận làm con trước hết phải đền đáp cho cha mẹ. Còn với nhân vật chị Dậu, tôi không nói đó là một quyết định đúng vì đó hoàn toàn là sai trái, là phạm pháp nhưng ai yêu rồi mới hiểu, ai kết duyên vợ chồng rồi mới biết, tình nghĩa vợ chồng thiêng liêng và lớn như thế nào. Còn cái Tý, có lẽ nó còn bé quá chưa đủ để hiểu, nhưng một góc nào đó, nó đáng thương như chính nhân vật Kiều. Vừa đáng thương cũng thật đáng trách….
Qua hai nhân vật, ta cũng đã thấy được phần nào về xã hội thời trước và tính cách của người phụ nữ Việt Nam qua hai thời kỳ khác nhau nhưng lại có nét tương đồng. Mong sao xã hội rồi sẽ không còn những bất công, không ai phải trả qua những đau khổ như Thúy Kiều và Chị Dậu, nhưng những đức tính sống cho trọn “đạo hiếu” và “tình nghĩa” sẽ mãi là một nét đẹp văn hóa và sẽ được nối tiếp từ các thế hệ tương lai của dân tộc Việt Nam ta!
Thủy Tiên - Nguoidepvn
Tác giả Nguyễn Thùy Linh