Từ thợ vẽ mẫu đến người tạo trào lưu mới trong làng mốt châu Âu
- Được viết ngày Thứ hai, 07 Tháng 1 2019 07:38
Nguoidepvn.vn - Nhắc đến “Kenzo”, hẳn một số quý bà, quý cô sẽ nhớ ngay đến Kenzo Flower, lọ nước hoa hình trụ cong, dáng vẻ thanh mảnh dịu dàng như một cành hoa trong suốt. Hương thơm nhẹ nhàng nhưng quý phái, thoang thoảng mùi thơm của hoa nhài, hoa hồng. Một chút ngọt dịu của vani và xạ hương... Nhưng đó chỉ là một trong những dòng sản phẩm mang tên tuổi của Kenzo Takada, nhà tạo mốt huyền thoại xứ Phù Tang nhưng lại rất “Parisien” (người Paris).
Kenzo Takada
Giấc mơ thương hiệu thời trang riêng
Nói đến Kenzo, trước hết phải nói về thời trang, lĩnh vực đầu tiên đã đưa tên tuổi của Kenzo Takada vào giới tạo mẫu hàng đầu thế giới.
Tháng 2/2019, Kenzo Takada thổi ngọn nến sinh nhật 80 tuổi. Nhân dịp này, ông đã chấp nhận cùng chấp bút với Kazuko Masui và Chihiro Masui ra mắt tập sách mang chính tên ông “Kenzo Takada”. Tập sách phác họa lại hành trình dài 40 năm của nhà tạo mẫu đầu tiên ở Paris đến từ xứ hoa Anh Đào. Lần đầu tiên, ông cho đăng hơn 400 bản vẽ thiết kế mẫu trong tổng số hơn 7000, cùng với nhiều bức ảnh về đời tư của ông mà công chúng chưa bao giờ được biết đến.
Lật từng trang sách, độc giả như đi cùng với Kenzo theo từng năm tháng. Kenzo đã trở thành cái tên của một dòng thời trang vui nhộn và trẻ trung. Và Kenzo còn là một trong những nhân chứng sống về sự chuyển đổi sâu sắc trong một lĩnh vực đã bị toàn cầu hóa.
Gần 80 tuổi, nhưng đôi mắt ông vẫn tinh anh, nụ cười hiền hậu và vẫn trẻ trung như năm nào khi mới đến Paris. Hồi tưởng lại những ngày đầu đặt chân tới Paris, Kenzo Takada thổ lộ những suy nghĩ của ông: “Khi tôi đến Paris năm 1965, tôi không hề nghĩ là có thể làm việc trong ngành thời trang”.
Nhưng sự thật có một điều chắc chắn giới am tường nghệ thuật thời trang đều cùng có chung một nhận định: Kenzo Takada là một “thần đồng” trong lĩnh vực thiết kế tạo mẫu. Sinh ngày 27/02/1939, tại làng Himeji, Nhật Bản, là con thứ 5 trong gia đình có bảy anh chị em, Kenzo Takada ngay từ nhỏ đã đam mê thời trang. Ông suốt ngày mê mẩn với các tờ tạp chí do các chị mua về.
Mười chín tuổi, Kenzo được vào học trường tạo mốt uy tín nhất của Nhật Bản lúc bấy giờ, Tokyo's Bunka Fashion College, vừa mở cổng đón nam sinh năm đầu tiên sau một năm hoạt động. Kết thúc chương trình học năm 1964, ông quyết định lên đường sang Paris lập nghiệp.
Những năm đầu mới đến Paris không phải là dễ đối với Kenzo. Khác biệt ngôn ngữ và văn hóa, tài chính hạn hẹp, không có nhiều quen biết… nhưng không vì thế mà ông từ bỏ giấc mơ tạo nên một thương hiệu thời trang riêng của mình. Ban ngày ông làm thợ vẽ mẫu cho hãng Relations Textiles, ban đêm tập trung cho bộ sưu tập của mình. Và những nỗ lực đó dường như đã được đền đáp.
“Cách nay 50 năm, nếu như quý vị đã từng đi ngang qua số 43 dãy phố Vivienne, quý vị rất có thể nhận thấy một cửa hiệu nhỏ, ở đó ngự trị một bầu không khí sôi động đến kỳ lạ. Mặt tiền cửa hiệu ghi dòng chữ: Jungle Jap. Một cái tên nghe “kỳ cục” làm sao!”, trong tập sách Kenzo Takada có đoạn ghi như thế.
Jungle Jap là cửa hàng quần áo thời trang đầu tiên của Kenzo, được mở vào ngày 14/3/1970, với sự trợ giúp của hai cô bạn đồng hương Nhật Bản. Jungle được ông lấy cảm hứng từ bức họa Giấc mơ (Le Rêve) của họa sĩ Douanier Rousseau. Jap là vì “chúng tôi là người Nhật Bản. Tôi cảm thấy cái tên này nghe rất gợi cảm. Vả lại lúc ấy tôi quá nhát không dám để tên mình. Và nhất là chúng tôi có đến ba người”, theo như những gì ông giải thích.
Kenzo phá cách với lối may mặc truyền thống bằng kiểu quần áo rộng rãi, ở đó thân thể được thở, cử động thoải mái
Chỉ trong vòng một năm, Kenzo tổ chức bốn cuộc trình diễn. Cũng trong năm đó, ông đã làm chao đảo cả Paris. Người ta chen lấn để được tận mắt thấy phong cách vui nhộn của “anh chàng Nhật Bản nhỏ bé”. Với những gam màu vui nhộn như trẩy hội, Kenzo trong những năm 1970 đã mang đến cho làng thời trang Paris, khi ấy bị cho là lỗi thời và cứng nhắc, một làn gió mới, trẻ trung hơn.
Kenzo phá cách với lối may mặc truyền thống. Ông đặt dấu chấm hết cho kiểu may ôm lấy thân thể, ống tay hẹp, sát cổ, chít eo… thay vào đó là kiểu quần áo rộng rãi, ở đó thân thể được thở, cử động thoải mái.
Tình yêu thời trang và tình yêu tự do
Có một bài báo ghi rằng: “Dior, những năm 1950. Saint Laurent, những năm 1960. Kenzo, những năm 1970”. Tạp chí Elle trong năm 1970 còn mệnh danh Kenzo là “thi sĩ cotton”, bởi vì chất liệu chủ đạo là vải cotton. “Tôi sử dụng cotton là vì tôi không có đủ tiền, nhưng cũng vì đó là chất liệu tôi vẫn ưa thích nhất. Tôi thích sự nhẹ nhàng, tiện nghi và mềm mại”.
Những cuộc trình diễn cứ thế lần lượt tiếp nối. Tên tuổi của ông cứ vậy mà tiếp tục bay xa, xuất hiện dần trên các sàn diễn lớn. Cái tên Jungle Jap lần lượt được thay thế bởi “Kenzo Jeans”, “Kenzo Jungle”, để rồi rút ngắn thành “Kenzo” vào những năm 1980.
Thành công của ông mở đường cho một thế hệ nhà tạo mẫu Nhật Bản, từ Issey Miyake cho đến Yojhi Yamamoto, Rei Kawabuko, lần lượt đổ về Paris tiếp bước Kenzo, đem lại một hơi thở mới cho các sàn diễn của phương Tây.
Hơn nửa thế kỷ sống tại Paris, dù ông đã quen từng góc phố, từng con đường, nhưng Paris vẫn luôn làm ông phấn khích. “Paris vẫn luôn là tình yêu của tôi”. Bởi vì chính Paris đã đem lại cho ông sự tự do sáng tạo.
“Ở Nhật Bản, có quá nhiều nghi thức, phải làm cái này, phải làm thế kia. Tại Paris, vì tôi quen biết không nhiều, nên tôi có thể làm những gì mình muốn. Đối với tôi, đó là một sự tự do hoàn toàn. Đó là lý do vì sao tôi muốn ở lại Paris. Đương nhiên là vì thời trang rồi, nhưng vì còn có sự tự do này nữa”.
Tự do sáng tạo và cả trong đời tư. Cuộc đời của ông không chỉ có những niềm vui mà còn xen lẫn cả những nỗi buồn. Năm 1990, sự ra đi đột ngột của người bạn đồng hành, Xavier de Castella, thật sự là một cú sốc, một bi kịch lớn bậc nhất đời ông. Nhưng chính trong nỗi buồn khôn xiết đó, Kenzo đã cho ra đời dòng sản phẩm dầu thơm đầu tiên dành cho nam giới: Kenzo pour homme (Kenzo for men).
Một bản thảo của Kenzo Takada
Đam mê thời trang đến thế, vậy mà vào năm 1993, Kenzo đã quyết định bán thương hiệu của mình cho tập đoàn thời trang cao cấp đa quốc gia LVMH và chính thức rời KENZO S.A vào năm 1999. Hơn 20 năm rời xa sàn diễn, liệu ông có nhớ ánh đèn sàn diễn?
“Tôi yêu thích tất cả những thứ đó, nhưng đồng thời cũng thật là mệt mỏi. Đó còn là cả một trách nhiệm lớn lao và một áp lực kinh khủng. Tôi làm điều này trong vòng 30 năm. Vì vậy, đến lúc nào đó tôi muốn dừng lại. Quả thật, tôi cũng nhớ các buổi trình diễn, nhưng người ta không thể có tất cả”.
Đó cũng là thời điểm marketing ngày càng có một vị thế quan trọng trong làng thời trang. Phải chăng chính áp lực với các nhà tạo mẫu đã khiến ông phải rời ánh đèn sàn diễn?
“Có được một cái gì đó vừa sáng tạo vừa mang tính thị trường không phải là dễ. Trong suốt những năm 1970, tôi chưa hề nghĩ đến việc kinh doanh. Chủ yếu chỉ nghĩ đến các buổi trình diễn và các buổi lễ hội. Nhưng đến những năm 1980, tôi phải sắp xếp lại doanh nghiệp và bắt đầu tính đến khía cạnh kinh doanh…”.
Khi được hỏi ông nghĩ như thế nào về thời trang ngày nay, Kenzo cho rằng có một sự thay đổi quá lớn. Trong những năm 1970, người hâm mộ phải đợi 2 - 3 tháng để có thể xem các bức ảnh trình diễn thời trang. Bây giờ thì ngay tức thì. Với ông như vậy cũng tốt, nhưng vẫn thiếu một điều gì đó.
“Mỗi khi tôi đi du lịch đâu đó, Nhật Bản hay Brazil chẳng hạn, tôi đều tìm kiếm những kiểu thời trang khác nhau. Bây giờ, tôi thấy ở đâu cũng có cùng các cửa hiệu và các kiểu mẫu mã. Cũng tốt thôi, nhưng hơi thiếu một chút đa dạng. Thật đáng tiếc…”.
Giờ sắp bước sang tuổi bát tuần, không còn đứng đầu nhãn hiệu thời trang do chính ông lập ra, nhưng Kenzo Takana cho biết vẫn chưa có ý định gác ngòi vẽ: “Tôi có nhu cầu làm việc với các ê-kip trẻ. Tôi cần điều này, tôi muốn có thêm hiểu biết, có nhu cầu tiếp xúc với mọi người”.
Thu Bình/Theo Kim Tuyến - Baophapluat.vn