Tính nhân văn trong tiểu thuyết Kiếm hiệp của Kim Dung
- Được viết ngày Thứ năm, 01 Tháng 11 2018 01:40
Nguoidepvn.vn - Nhắc đến tiểu thuyết kiếm hiệp, người ta thường nghĩ đến cảnh đao kiếm chém giết đẫm máu. Nhưng đối với Kim Dung, giá trị cốt lõi nhất đọng lại trong tác phẩm của ông có lẽ chính là tính nhân văn bản ngã.
Nhiều tác phẩm của nhà văn Kim Dung đã được chuyển thể thành phim truyện.
Những người lứa tuổi 7X, 8X ở Việt Nam thế kỷ trước có lẽ rất ít người không biết đến tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Thời đó, Internet vẫn còn quá xa lạ. Những ông bố, bà mẹ bây giờ đều đã ở tuổi đầu 3, đầu 4, ngày đó chỉ biết tìm đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung và nhiều thứ tiểu thuyết khác ở những quán cho thuê truyện.
Đối với nhiều thế hệ học sinh thời đó, các nhân vật trong tác phẩm Kim Dung gần như đã ăn sâu vào trí nhớ cùng với những bay bổng lãng mạn của tuổi trẻ vốn nhiều mơ ước hoài bão.
Một trong những điều đáng nể nhất của Kim Dung có lẽ phải kể đến việc ông rất thành công khi đưa đến cho độc giả các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, hình ảnh về văn hóa xã hội Trung Hoa ở một giai đoạn lịch sử nhất định. Mặc dù truyện của ông chỉ là sự hư cấu nhưng lấy bối cảnh một giai đoạn trong lịch sử, phần nhiều là triều đại nhà Tống. Đối với người lười học lịch sử thì truyện Kim Dung ít nhiều khiến người ta phải suy ngẫm, đối chiếu, thậm chí tìm hiểu sâu hơn về lịch sử Trung Hoa.
Hầu hết người đọc truyện kiếm hiệp nói chung và đặc biệt là tác phẩm của Kim Dung nói riêng đều ghi nhớ và lấy làm mạch cảm hứng xuyên suốt là hình ảnh nhân vật nghĩa hiệp của những cao thủ võ lâm. Đối với người viết bài cũng vậy, khi những hình ảnh đại hiệp Quách Tĩnh, Dương Quá đã ăn sâu vào tiềm thức thì sự đề cao chính khí khiến người ta lấy đó làm thước đo cho bản thân mình.
Nhưng điều sâu xa hơn nữa, đối với cá nhân người viết, đó là tính nhân văn trong những tác phẩm kiếm hiệp Kim Dung. Đã là tác phẩm kiếm hiệp thì chủ yếu người đọc chỉ nhìn thấy những trận "gió tanh mưa máu" trên chốn giang hồ, tại sao chúng ta vẫn tìm thấy tính nhân văn cao đẹp trong tác phẩm Kim Dung.
Ngược dòng tác phẩm Kim Dung, chúng ta có thể bắt đầu từ Giáo chủ cũng là người sáng lập Toàn Chân Giáo, người vẫn được người đời ca tụng là Trung Thần Thông. Là người có công phu võ học cao siêu bậc nhất thiên hạ nhưng ông dành cả cuộc đời để cứu nhân độ thế, xây dựng lòng nhân ái giữa người với người.
Đến những bậc chính nhân quân tử như Quách Tĩnh hay kẻ được coi là ngông cuồng như Thần điêu đại hiệp Dương Quá, họ vẫn luôn sống bằng lòng nhân ái, bao dung. Một điểm chung mà hầu hết những nhân vật chính do Kim Dung xây dựng, chúng ta dễ dàng nhìn thấy, họ không bao giờ giết người.
Ngoại trừ một vài nhân vật số ít như Lệnh Hồ Xung hay Tiêu Phong sống bằng sự hận thù, hầu hết nhân vật chính của ông đều ngại động đến đao kiếm thị phi, cực kỳ sợ làm tổn hại đến thân thể người khác. Thậm chí Trương Vô Kỵ còn sẵn sàng lấy thân thể mình để che chở cho những con người yếu đuối.
Đọc truyện kiếm hiệp, ít ai không biết đến câu: "Nhân tại giang hồ, thân bất do kỷ" (người trong giang hồ, thân mình không theo ý mình). Vậy nhưng Dương Quá, Trương Vô Kỵ vẫn sống theo đúng bản chất tốt đẹp của mình. Dù sóng gió giang hồ có vùi dập họ bao phen thì con tàu đạo nghĩa của họ vẫn không bao giờ đắm. Đó chính là giá trị nhân văn cốt lõi mà Kim Dung mang lại.
Nhà văn Kim Dung đã thể hiện quan điểm sống của mình trong từng tác phẩm.
Tính nhân văn của nhân vật trong những tác phẩm kiếm hiệp được Kim Dung thể hiện quy luật nhân quả rất rõ nét hoàn toàn theo lô gic, bằng sự kiến giải mang tính khoa học. Điều quan trọng là sự kiến giải đó được Kim Dung đưa vào tác phẩm bằng kiến thức uyên bác về thế giới quan của chính ông. Từ nhỏ, ông đã đọc quá nhiều sách vở khiến kho tàng kiến thức của ông vô cùng đồ sộ. Chính vì thế mà ông khiến người đọc mở mang thêm rất nhiều, không chỉ võ học mà còn là địa lý, lịch sử, văn hóa,...
Không phải ngẫu nhiên mà Trương Tam Phong - Sư tổ Võ Đang phái có thể tạo dựng được một hệ thống đệ tử đời đời lớp lớp võ công xuất chúng, tốt đời đẹp đạo. Bởi giáo lý môn phái được xây dựng từ chính bản ngã của chàng thanh niên Trương Quân Bảo vốn hồn nhiên, giàu lòng bác ái.
Tất cả sự vật hiện tượng đều được Kim Dung kiến giải bằng tính nhân văn đó, như một hệ thống xuyên suốt. Người ta thường nghĩ đến nhân vật kiếm hiệp gắn liên với cảnh uống rượu say sưa vô độ. Nhưng Kim Dung cũng có cách kiến giải để người ta thấy uống rượu thế nào là tốt xấu, là đáng để uống.
Tổ Thiên Thu biết Lệnh Hồ Xung mang trọng bệnh nên đưa thuốc đến cứu, nhưng biết Lệnh Hồ Xung vốn khảng khái và thích uống rượu nên mang rượu đến hòa thuốc vào. Trong khi uống rượu, Tổ Thiên Thu đã phân tích cho Lệnh Hồ Xung nghe về kiến thức các loại rượu, các loại chén uống rượu ở trên đời. Từ đó người ta thấy uống rượu cũng cần kiến thức chứ không phải cứ rượu nào cũng nốc vào người chỉ làm cho sức khỏe suy kiệt, tinh thần đạo nghĩa cũng tiêu tán.
Những tranh giành đố kỵ mãi mãi sẽ chỉ là bị kịch. Con người càng tham vọng quyền lực đỉnh cao sẽ càng phải phải trải qua nhiều bi kịch. Độc Cô Cầu Bại chỉ vì đạt đến cảnh giới tối cao của võ học mà suốt đời phải sống cô độc, không có bạn bè người thân. Cả cuộc đời chỉ đi tìm người đánh bại mình mà không thể tìm nổi - đó chính là bi kịch lớn nhất. Bới vậy, chỉ có giá trị nhân văn bác ái mới là thứ quan trọng nhất nuôi dưỡng con người trong tiểu thuyết Kim Dung.
Lịch sử bao đời vẫn chảy theo lẽ tự nhiên. Triều đại này sụp đổ, triều đại mới thay thế. Lớp người này qua đi, lớp người khác nối tiếp. Nhưng giá trị nhân văn cốt lõi trong tác phẩm võ hiệp Kim Dung là thứ vĩnh viễn đọng lại trong lòng độc giả. Những người yêu truyện kiếm hiệp sẽ luôn nhớ đến ông - người được tôn là Giang hồ đệ nhất thánh kinh - không chỉ bởi những thiên truyện bi tráng ly kỳ mà còn chính bởi những giá trị nhân văn ấy.
*Bài viết theo quan điểm riêng của tác giả.
Thu Bình/Theo Mạc Duyên - Phapluatplus.vn