Anna Võ: “Phụ nữ dù cá tính vẫn cần yếu mềm”
- Được viết ngày Thứ ba, 12 Tháng 4 2016 04:23
Nguoidepvn.vn - Học marketing ở đại học San Diego (Mỹ), quản trị kinh doanh ở Oxford (Anh) rồi học thiết kế thời trang tại trường Instituto Marangoni (Ý), con đường trở thành nhà thiết kế và khởi nghiệp của cô gái vẫn được gọi là “tiểu thư Sài Gòn” Anna Võ cứ đủng đỉnh như không.
Có vẻ như cái nghiệp làm về thời trang đến với cô rất tự nhiên và lãng mạn, kỳ thực cô rất thực tế khi nhìn nhận về công việc của mình.
Nụ cười, ánh mắt của Anna Võ toát lên vẻ thanh lịch và tự tin của một nhà thiết kế trẻ tài năng
Anna Võ thông thạo 4 thứ tiếng và có thể được coi là một công dân toàn cầu khi từ nhỏ cô đã đi du lịch gần như vòng quanh thế giới còn hiện tại thì công việc rải từ Việt Nam đến Mỹ và châu Âu. Sự thanh lịch và thời trang của Anna không chỉ toát lên từ trang phục cô mặc, những phụ kiện cô mang hay lớp trang điểm nhè nhẹ mà từ cử chỉ, lời nói, quan điểm của cô khi nhìn vào mọi thứ xung quanh. Anna luôn nhấn mạnh, cô được giáo dục kỹ lưỡng từ nhỏ, bước ra cuộc sống bên ngoài gia đình, cô vẫn luôn thấy giáo dục là điều rất quan trọng giúp tạo nên một con người hoàn mỹ. Và thời trang không chỉ là áo quần mà còn là phong cách, điệu bộ, đi đứng, lời nói.
Anna không nói nhiều về bản thân, cô để người đối diện tự có lý giải về mình. Cũng giống như những trang phục cô tạo ra vậy. Không tuyên ngôn và lý giải, tất cả những điều ấy hiện lên trên những thứ mà cô làm. Hiện đại và tươi mới, nhưng rất nữ tính và đặc biệt là kỹ thuật cắt may đã đạt đến đẳng cấp của các thương hiệu lớn. Là bởi Anna đã từng làm phụ tá cho các show diễn của những thương hiệu nổi tiếng thế giới như Giorgio Armani, Bottega Venetta, Etro, Albino…
Bộ ảnh thời trang Vespa và bộ sư tập “Candic Chic” của NTK Anna Võ
Đi từ Mỹ sang châu Âu để học về kinh doanh, Anna Võ chưa hề nghĩ đến việc mình sẽ làm gì với thời trang dù mẹ cô là chủ thương hiệu Thuý Nga Design có bề dày xấp xỉ 30 năm và là nhà thiết kế thế hệ đầu tiên của đất nước sau thời kỳ đổi mới. Và dù năm 12 tuổi, với một tấm màn cửa, cô đã tự may cho mình được một chiếc áo. Cô cho biết: "Đến tận khi sang Mỹ học, tôi vẫn chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ làm về thời trang. Tôi thích phong cách tomboy và quần áo chỉ toàn jeans với thun. Nhưng bạn bè tôi thì khác. Nhiều người đến từ những gia đình quý tộc ở châu Âu. Họ ảnh hưởng đến tôi từ phong cách ăn mặc đến việc thưởng thức văn hoá, nghệ thuật. Ở bên cạnh họ và đi du lịch ở các nước châu Âu, tôi gần như bị thời trang “tấn công”. Đến lúc này, sự ảnh hưởng vô thức từ công việc của mẹ mới ngấm dần vào tôi".
BST của Anna Võ với các nét cắt phóng khoáng, bay bổng,…
Chị rẽ ngoặt hẳn sang thời trang sau khi đã học khá nhiều về kinh doanh, điều này có thuận lợi hay cản trở chị?
Đó là một con đường đúng đắn. Tôi có thể làm từ công việc kế toán đến huấn luyện nhân viên, và đương nhiên là việc vẽ vời, thiết kế. Với tôi, thời trang là kinh doanh, là bán hàng chứ không phải chuyện vẽ vời. Một bộ sưu tập chỉ nên có 5 – 6 bộ mang tính vẽ vời, còn lại phải là các mẫu để bán. Những kiến thức tôi học về kinh doanh giúp tôi làm tốt việc đó.
Tham gia dự án “Nàng”, bộ sưu tập của chị được giám đốc nghệ thuật của tạp chí F Thời trang Hương Color nhận xét rằng: “BST của Anna Võ với các nét cắt phóng khoáng, bay bổng, những chiếc váy tùng rộng, đường viền cổ không đối xứng, và đường cắt và chi tiết thú vị, sự uyển chuyển của lớp xếp lụa khác biệt nhưng lại rất phù hợp với vẻ thành thị và sang trọng của Nàng. Vải lụa dày, bóng thể hiện sự tinh tế trong việc chọn chất liệu khi được dùng trong form rộng”. Còn chị, quan điểm của chị khi thiết kế trang phục?
Tôi thích những thứ đơn giản và hình thức của một người phụ nữ không phải để họ trưng diện với bên ngoài mà để tự bản thân họ thấy thoải mái. Sự tự tin của người phụ nữ thường đến từ vẻ bề ngoài trước tiên, vì vậy không chỉ quần áo, mà cách trang điểm hay đơn giản chỉ là cách vuốt mái tóc thế nào cũng là khía cạnh của thời trang rồi. Phụ nữ khác đàn ông ở chỗ đó. Đàn ông có thể ra ngoài mà không cần trang điểm. (Cười).
… sự uyển chuyển của lớp xếp lụa khác biệt nhưng lại rất phù hợp với vẻ thành thị và sang trọng của Nàng
Vậy với chị - một cô gái sống độc lập, tự tin, có đầy đủ điều kiện, kiến thức và thành đạt – phụ nữ như thế nào mới đáng yêu trong mắt người đàn ông của mình?
Tôi sống độc lập nhưng rất coi trọng gia đình, điều đó ảnh hưởng bởi cách cha mẹ giáo dục tôi, và cũng từ cách cha mẹ sống bên nhau. Tôi nghĩ rằng phụ nữ phải trung hoà mình một chút để người đàn ông của mình có “đất sống”. Phụ nữ có thể thông minh, thành đạt, giỏi giang và những thứ đó không cần nói ra thì người đàn ông của họ cũng biết. Đàn ông có bản năng che chở cho phụ nữ, cho gia đình, vì vậy phụ nữ nên để họ phát huy tối đa điều ấy. Không nên có cái tôi cao quá, bởi đàn ông cần phụ nữ và ngược lại. Khi người đàn ông được che chở cho người phụ nữ của mình, cho gia đình mình thì cuộc sống sẽ rất lãng mạn.
Chị đã học thiết kế thời trang ở Ý, nơi được coi là lãng mạn nhất thế giới. Chị ấn tượng với điều gì ở nơi đó?
- Nếu hỏi tôi thành phố nào lãng mạn nhất, tôi nói đó là Rome. Vì sự lãng mạn đó có thể thấy ở tất cả các chi tiết trên đường phố. Một đôi uyên ương nắm tay nhau ăn kem rồi lên Vespa chạy một vòng phố. Ngay cả chiếc xe Vespa của họ cũng là một biểu tượng của sự lãng mạn, một chiếc xe có thể làm cho người đi toả sáng. Chỉ cần mặc một bộ đồ đơn giản, ngồi lên Vespa là đã thấy rất thời trang rồi. Với tôi, Vespa là một “Fashion Icon” và là một biểu tượng của sự lãng mạn.
Cảm ơn chị!
Nguoidepvn.vn