Áo dài cách tân qua góc nhìn của thí sinh Lê Thị Ngọc Phụng
- Được viết ngày Thứ ba, 22 Tháng 3 2016 08:29
(Người đẹp VN) “Áo dài” là nét văn hóa đặc sắc của người phụ nữ Việt Nam. Nó thể hiện vẻ đẹp trang nhã, thanh lịch, kín đáo của người phụ nữ Việt và đây chính là sự khác biệt giữa phụ nữ Việt Nam với phụ nữ trên thế giới. Áo dài gắn với tứ đức của người phụ nữ được kết tinh qua hàng ngàn năm lịch sử.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử Áo dài vẫn đậm đà bản sắc dân tộc và in đậm trong tâm trí của mỗi con người Việt Nam. Chiếc áo ấy, truyền thống ấy vẫn đang hiện hữu để tô điểm cho vẻ đẹp của người phụ nữ. Trải qua bao nhiêu năm tháng, chiếc áo dài không chỉ mang tầm vóc của một đất nước mà được biết đến nhiều hơn trên trường quốc tế.
Ngày nay, chúng ta có thể tự hào nói rằng: “Áo dài là hiện thân của dân tộc Việt, một vẻ đẹp mĩ miều nhưng đằm thắm, là “Quốc phục” biểu tượng của dân tộc Việt Nam”.
Cuộc sống là vậy, nó không bao giờ đứng yên mà luôn luôn vận động và phát triển, nhu cầu thẩm mỹ con người cũng dần cuốn theo là điều tất yếu. Những cái mới dần thay thế cho những gì đã cũ, điều đó hoàn toàn không xấu vì thay đổi là tốt, thay đổi để bắt kịp với xu thế của xã hội, của thế giới.
Bên cạnh chiếc Áo dài truyền thống, ngày nay người phụ nữ Việt Nam còn có Áo dài cách tân; Vậy Áo dài cách tân có gì khác so với Áo dài truyền thống? Áo dài cách tân có thể thay thế Áo dài truyền thống được không? Và chúng ta sử dụng trong các dịp nào? Liệu sự cách tân của Áo dài có làm lu mờ hình ảnh và bản sắc của Áo dài truyền thống? Đây là điều làm cho tôi suy nghĩ về “Thực trạng phong trào Áo dài cách tân hiện nay”.
Sự cách tân Áo dài đã có từ xa xưa. Trước hết ta trở về với những vùng quê nơi đó có những sự cách tân áo dài với những nét văn hóa đặc trưng. Vùng quê Bắc bộ với áo tứ thân, cái khăn mỏ quạ, hương chanh, hoa cau, hương đồng gió nội.
Thể hiện tâm hồn chân chất, mộc mạc nhưng cũng không kém phần quyến rũ của người phụ nữ vùng quê Bắc bộ nói riêng và người phụ nữ Việt Nam của chúng ta nói chung. Tiếp đến là chiếc Áo dài tím của cô gái Huế rất dịu dàng, tinh tế, thiết tha đằm thắm, ngất ngây: “Cô gái thẫn thờ vê áo mỏng. Nghiêng nghiêng vành nón dáng đợi ai”. (Tố Hữu)
Về phương Nam, chiếc áo bà ba gắn với chiếc khăn rằn của những cô gái đồng bằng sông Cửu Long thể hiện sự gan dạ, dũng cảm, kiên trung, giàu lòng yêu nước, chiến đấu ngoan cường trong những năm chống giặc ngoại xâm “Khăn rằn ai dệt cho ai. Sợ chi súng đạn rào gai quân thù”
Ở các trường học chiếc Áo dài màu trắng của nữ sinh là trang phục đẹp, vừa giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa thể hiện sự tinh khiết trong trắng của nữ sinh “Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong” (Huy Cận)
Xã hội phát triển, cuộc sống con người ngày càng tân tiến. Nhu cầu về vật chất, tinh thần và văn hóa của con người ngày càng cao. Ăn ngon mặc đẹp là nhu cầu hướng tới của con người. Áo dài cách tân là hướng tới cái đẹp trong trang phục của người phụ nữ. Đó là cái đẹp trong thời hiện đại.
Trong mọi cách tân nhưng cũng phải giữ cho được sự duyên dáng, tinh tế, dịu dàng, trong tâm hồn của người phụ nữ, điều đó được thể hiện rất rõ trong trang phục Áo dài truyền thống.
Điều này làm tôi lại nhớ tới một câu nói hết sức sắc sảo của Nguyễn Thảo Nhàn Thi - Hoa khôi Áo dài "Miss áo dài Melbourne 2013": “Áo dài được biết đến là Quốc phục của Việt Nam, là linh hồn dân tộc và là vẻ đẹp truyền thống Việt. Có một điều đó là thế giới không bao giờ đứng yên mà nó luôn vận động: cuộc sống, thời gian, thậm chí bạn và tôi, Áo dài cũng không ngoại lệ.
Nhưng càng biến tấu nó càng đa dạng, càng kín đáo nó càng quyến rũ, càng quảng bá nó càng được biết đến và khẳng định chính mình. Nếu sự biến tấu đó không vượt quá và phá mất đi giá trị truyền thống vốn có của chiếc áo dài thì sự tôn nghiêm vẫn luôn hiện hữu trong mỗi tà áo. Luôn luôn khẳng định một điều, chiếc áo dài Việt dù có biến đổi bao nhiêu thì nó vẫn sẽ luôn hoà nhập chứ không bao giờ hòa tan”.
Tuy nhiên, ngày nay có rất nhiều cách tân Áo dài đã gây ra những phản cảm dần đánh mất đi những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống. Có những cách tân Áo dài làm sai lệch về kiểu dáng, không giữ được sự kín đáo, tế nhị, duyên dáng của Áo dài Việt Nam.
Có một số giới nghệ sĩ biểu diễn Áo dài cách tân theo kiểu phô trương không thích hợp. Có thể nói sự cách tân như vậy theo thời gian có nguy cơ làm nhòa đi bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong thực tế hiện nay, trên thị trường trang phục của người phụ nữ muôn màu sắc và vô vàn kiểu cách. Trong đó có những chiếc áo dài cách tân mới bị biến tấu quá mức không phù hợp trong các lễ hội càng không phù hợp với trang phục biểu diễn. Thế cách tân áo dài để làm gì? Chính sự cách tân sai lệch này đã vấp phải những phản ứng mạnh mẽ của dư luận và xã hội. Vì vậy theo TS. Mai Mỹ Duyên, nguyên Phó trưởng khoa Sau ĐH, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM: “Với những trang phục truyền thống có lịch sử lâu đời như áo dài, sự cách tân, đổi mới phải dựa trên nền tảng văn hóa vững chắc.
Tuyệt đối không nên vì muốn đổi mới, cách tân mà biến chiếc áo dài trở nên kệch cỡm”. Hoa hậu Ngọc Hân – một trong những đại diện của thế hệ nhà thiết kế trẻ cũng có quan điểm tương tự: “Tôi luôn nhớ tới câu nói: ‘Y phục xứng kỳ đức’. Trang phục được thiết kế ra, hay được chọn mặc sẽ nói lên rất nhiều về kiến thức, trình độ văn hóa, con người tính cách của người mặc và tạo ra nó. Vì vậy, muốn cách tân sao cũng được, nhưng phải nhận thức đúng đắn, để cho ra mắt một tà áo dài đúng nghĩa!”.
Vì vậy, Áo dài truyền thống thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn, cốt cách của người phụ nữ Việt Nam. Cách tân Áo dài là rất cần thiết, là phù hợp với quy luật vận động và phát triển. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng cách tân Áo dài phải giữ được hồn cốt của chiếc Áo dài truyền thống - bản sắc văn hóa của người Việt Nam.
Bản thân tôi rất vinh dự được công tác trong ngành Giáo dục, một ngành mà có thể nói luôn gắn liền với Áo dài, không chỉ riêng tôi mà mỗi cô giáo trong cuộc đời làm công tác giáo dục của mình cũng sẽ có một bộ sưu tập Áo dài với đủ kiểu, đủ màu sắc, thanh lịch và đằm thắm.
Vì vậy, với góc độ vừa là một người quản lý, vừa là một giáo viên tôi luôn nghĩ rằng: Cho dù bạn chọn gì, mặc gì nhưng bạn cũng nên chú ý: Mỗi khi bạn khoác bộ trang phục lên mình sẽ có rất nhiều người chú ý để tâm đến bạn. Quan điểm thẩm mỹ là quyền của mỗi người nhưng hãy thể hiện nó đúng lúc, đúng nơi và có chừng mực.
Tuy nhiên, đã nói về Áo dài thì người ta đều nghĩ đến truyền thống cho dù Áo dài cách tân có đẹp đến như thế nào thì Áo dài truyền thống vẫn luôn có vị trí trong lòng của mỗi người con đất Việt. Và hơn ai hết chính bạn và tôi đều muốn cái mới, cái đẹp nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Tôi xin phép được mượn lời của bà Miuccia Prada để kết thúc phần cảm nghĩ của mình về “Thực trạng phong trào Áo dài cách tân hiện nay”. Bà Miuccia Prada đã nói: "Những gì bạn mặc trên người là cách thể hiện bản thân với thế giới, đặc biệt là ngày nay, khi cuộc sống trở nên gấp gáp, chúng ta lướt qua nhau rất vội vã. Vì thế thời trang chính là thứ ngôn ngữ giao tiếp nhanh nhất".
Người đẹp VN