Danh họa Nguyễn Gia Trí và những tác phẩm để đời
- Được viết ngày Thứ ba, 23 Tháng 6 2020 08:23
Nguoidepvn.vn - Ngày 20/6 vừa qua, phiên đấu giá mang chủ đề “Nghệ thuật Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội với sự quy tụ của hơn 150 tác phẩm nghệ thuật trải dài từ thời kỳ vàng Đông Dương, kháng chiến đến những cái tên đương đại nổi bật.
Trong số các tác phẩm nổi tiếng, phải kể đến bức tranh sơn mài “ Lễ hội đầu năm” của danh họa Nguyễn Gia Trí, họa sĩ được mệnh danh là “cha đẻ của tranh sơn mài tân thời Việt Nam”.
Người cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam
Danh họa Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993) quê ở xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm 1936, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Danh họa Nguyễn Gia Trí là người dẫn đầu thời kì cực thịnh của sơn mài những năm 1938 - 1944. Tác phẩm của ông vừa thực, vừa lung linh huyền ảo, ẩn hiện giữa các lớp sơn.
Ông thường vẽ phụ nữ và phong cảnh, đồng thời có phong cách xây dựng bố cục tranh theo hình thức bình phong, bố trí các hình tượng trên nhiều tấm rời nhau rồi ghép lại. Các tác phẩm của họa sĩ được đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật tranh sơn mài, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cũng vào thời kì này, tác phẩm Lưu Nguyễn nhập thiên thai khổ lớn của ông được người Pháp mua, bày tại dinh Toàn quyền của người Pháp ở Hà Nội - nay là Phủ Chủ tịch- hiện vẫn được treo ở đó.
Ông là người đi đầu trong việc chuyển những bức tranh sơn mài từ trang trí thành những tuyệt phẩm nghệ thuật và từ đó ông đã được mệnh danh là "người cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam". Nguyễn Gia Trí là một trong những họa sĩ nổi tiếng đi đầu trong việc tạo ra một khuynh hướng nghệ thuật mới cho Việt Nam, với những đường nét vẽ thanh lịch và những tư tưởng mới về nghệ thuật sơn mài. Ông phối hợp lối in khắc với những phương thức sơn mài mới, đồng thời áp dụng các nguyên tắc cấu trúc tranh vẽ phương Tây, để tạo những bức họa hiện đại mang đầy tính chất dân tộc.
Danh họa Nguyễn Gia Trí
Danh họa Nguyễn Gia Trí chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa ấn tượng của châu Âu cho tới phong cách thủy mặc, dân gian, truyền thống mỹ nghệ của châu Á và Việt Nam. Thập niên cuối đời, ông còn đi sâu vào chủ nghĩa trừu tượng, một phong cách mà ông từng thể nghiệm qua vài tác phẩm từ sau năm 1954.
Trong ghi chép đề ngày 28/3/1976, Nguyễn Gia Trí viết: “Cái chính là hướng vẽ đúng. Kỹ thuật cũng giống như xe đạp anh dùng để đi. Chú ý nhiều đến xe thì sẽ trở thành thợ máy. Phải có xe riêng của mình, tất cả kỹ thuật đều chỉ là phương tiện. Khi vẽ phải vứt bỏ mọi thành kiến. Thành kiến đầy rồi thì rót gì vào cũng chỉ tràn ra. Mỗi chất liệu có sở trường, sở đoản riêng. Phải biết tận dụng nó”(trích Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt ghi, NXB Văn học, 1998)
Một số tranh sơn mài đáng chú ý của Nguyễn Gia Trí trong giai đoạn 1938 đến trước 1945 là: Chợ Bờ, Dọc mùng, Bên hồ Gươm, Đêm Bồ Tùng Linh, Khỏa thân, Cảnh thiên thai, Chùa Thầy, Đèn Trung thu, Thiếu nữ bên hồ sen, Giáng sinh… Đặc biệt bức Thiếu nữ trong vườn, gồm 6 tấm, tổng cộng 12m2, bán cho ông Giám đốc Sở Điện - Nước miền Bắc Đông Dương.
Kiệt tác "Vườn hoa Trung- Nam".
Lúc sinh thời, danh họa Nguyễn Gia Trí có tâm nguyện giữ lại 3 bức sơn mài khổ lớn là Hoài niệm xứ Bắc, Trừu tượng, Múa dưới trăng (sáng tác giai đoạn 1968 - 1969).
Ngoài ra, danh họa Nguyễn Gia Trí còn có một số tác phẩm tiêu biểu sau năm 1954 như Hai Bà Trưng, Trận Bạch Đằng, Địa linh hoán tượng, Ba Vua… Ông còn là nhà biếm họa sắc sảo, nhà đồ họa quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam
Năm 2012, danh họa Nguyễn Gia Trí được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho 5 tác phẩm sơn mài gồm “Vườn xuân Trung Nam Bắc”; “Thiếu nữ bên hoa phù dung”; “Bên đầm sen”; “Trong vườn” (8 tấm) và “Cảnh nông thôn”. Tên của ông đã được đặt cho một con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Những giá trị tồn tại vĩnh viễn
Sinh thời, các tác phẩm của danh họa Nguyễn Gia Trí đã được các nhà sưu tầm tranh ở khắp nơi trên thế giới yêu thích và đặt hàng. Những tác phẩm tranh được ưa thích nhất là các tác phẩm sơn mài khổ lớn. Ở những tranh sơn mài có kích thước lớn, ông luôn mở rộng tầm nhìn thẩm mỹ, đặt cái cổ kính bên cạnh cái tân kỳ, cái lộng lẫy sang trọng cạnh sự giản dị mộc mạc, ý tưởng hy vọng đặt bên cạnh sự hoài niệm…
Kiệt tác "Lễ hội đầu năm".
Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa là bức sơn mài khổ lớn“ Vườn xuân Trung Nam Bắc” được sáng tác vào giai đoạn đất nước còn trong khói lửa chiến tranh. Năm 1990, kiệt phẩm được Ủy ban Nhân dân TP HCM mua để trao tặng cho Bảo tàng Mỹ Thuật TP HCM. Tranh được trưng bày và lưu giữ tại đây từ đó đến nay. Năm 2013, Chính phủ ra quyết định công nhận kiệt phẩm của danh họa Nguyễn Gia Trí là "Bảo vật quốc gia". Rất tiếc trong quá trình tu sửa năm 2017, hiện nay bức tranh đã không còn được nguyên vẹn, bị hư hỏng khoảng 30%.
Ngoài ra còn có rất nhiều các tác phẩm có giá trị cao như bức bình phong ”Dọc mùng” hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng mĩ thuật Việt Nam. "Dọc mùng" được danh họa trình bày theo dạng bức sơn mài kiểu bình phong có kích thước lớn thể hiện tranh ở hai mặt.
Cùng với đó là nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Đình làng vào đám, Thiếu nữ bên cây phù dung, Hoàng hôn trên sông, Phong cảnh Móng Cái… Kiệt tác “Lễ hội đầu năm” được đưa ra trong buổi đấu giá nghệ thuật lần này cũng là một bức sơn mài hiếm của danh họa Nguyễn Gia Trí.
Điều lệ cuộc thi Người đẹp ảnh Việt Nam 2020
TT/Theo Ngọc Hà - Baophapluat.vn
https://baophapluat.vn/nghe-thuat/danh-hoa-nguyen-gia-tri-va-nhung-tac-pham-de-doi-525095.html