“Hành trình văn hóa đưa ta về với cội nguồn”
- Được viết ngày Thứ ba, 12 Tháng 6 2018 02:39
Nguoidepvn.vn - “Không quan trọng là bạn đã đi bao xa, mà hơn hết là sự thấu hiểu được bao nhiêu ở mỗi nơi bạn đặt chân đến… Hành trình khám phá văn hóa Việt đã cho tôi những trải nghiệm vô cùng sâu sắc và ý nghĩa. Dư âm của chuyến đi này luôn còn đọng mãi trong trái tim tôi” – Bà mẹ 2 con Lâm Diệu Linh cho biết.
Chị Lâm Diệu Linh
Là lần đầu tiên trải qua một hành trình trải nghiệm văn hóa, tôi đã có rất nhiều cảm hứng và hứng khởi. Bởi không phải là chuyến du lịch nghỉ dưỡng, mà là một chuỗi hành trình trải nghiệm, khám phá nhiều vùng miền trong cả nước để tìm hiểu về thiên nhiên, đất nước, con người nhằm nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản thiên nhiên và văn hóa bản sắc vùng miền.
Ngày đầu tiên, 28/05/2018, tôi tập trung lúc 4h sáng tại cổng trung tâm hội nghị Quốc Gia, tôi đã cảm nhận được tình cảm, sự hỗ trợ của bạn đồng hành ngay từ buổi đầu. Đoàn chúng tôi có 6 nhân vật trải nghiệm. Rời điểm tập trung, chúng tôi tiến thẳng về mảnh đất Thanh Hóa, nơi hội đủ các giá trị thiên nhiên và văn hóa của khu vực Bắc Trung Bộ. Đây cũng chính là quê hương của tôi nên trong lòng chợt thấy nao nao.
Điểm đặt chân đầu tiên của chúng tôi là đền Mai An Tiêm, vùng đất trù phú, núi sông kỳ vĩ thuộc xã Nga Phú, huyện Nga Sơn. Hình ảnh Mai An Tiêm và sự tích “Quả dưa hấu” đã trở thành biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt thuở các vua Hùng dựng nước. Có lẽ vậy nên hàng năm cứ ngày 12 đến 15 tháng 3 Âm lịch, nhân dân và chính quyền địa phương lại tổ chức lễ hội tại nơi đây để khơi dậy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, đức tính kiên trì nhẫn nại và tình yêu quê hương đất nước của Mai An Tiêm, góp phần động viên khích lệ thế hệ hôm nay phát huy truyền thống của cha ông thuở trước để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.
Lâm Diệu Linh cùng các bạn đồng hành thăm chùa Hàn Sơn
Cũng trong quần thể du lịch này, chúng tôi được ghé thăm chùa Hàn Sơn. Qua lời kể của các cụ cao niên trong làng, chùa Hàn Sơn được xây dựng từ rất lâu đời, tọa lạc tại trung tâm cửa Thần Phù, một chốn linh thiêng đã đi vào thơ ca. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và bị chiến tranh tàn phá, chùa Hàn Sơn không còn được như xưa, bà con phật tử trong và ngoài địa phương đã tích cực góp công, góp của xây dựng, tu sửa lại chùa.Những thế hệ con cháu của Mai An Tiêm đã chung tay góp sức tạo nên được một công trình hiện đại, bề thế, không những đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và bà con phật tử mà còn tạo điểm nhấn cho địa phương trong việc khai thác tiềm năng về du lịch sinh thái và tâm linh. Hơn thế nữa, nơi đây còn là nơi khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe miễn phí cho bà con vào một số ngày quy định trong tháng. Tất cả là nhờ vào những nhà hảo tâm, những tấm lòng vàng của thế hệ con cháu Mai An Tiêm ngày nay. Và thật tuyệt vời biết bao nếu chúng ta ngày càng có nhiều những những tấm lòng vàng như thế.
Lâm Diệu Linh tại làng nghề chiếu cói Nga Sơn
Đến với Thanh Hóa, không ai là không biết chiếu cói Nga Sơn, một sản phẩm nổi tiếng của vùng ven biển này, vật biểu trưng cho niềm hạnh phúc của những đôi lứa yêu nhau. Đó là điểm đến tiếp theo trong hành trình của chúng tôi. Chúng tôi choáng ngợp bởi một màu biêng biếc, vàng mơ, ánh lên sắc đỏ của những chiếc chiếu hoa, chiếu cưới, chiếu lễ hội sân đình…tạo nên vẻ đẹp riêng cho một làng nghề. Được đến Nga Sơn vào mùa thu hoạch, được tận hưởng không khí rộn ràng ngày mùa mới tuyệt vời làm sao. Trải dài khắp các cánh đồng là một màu xanh mướt, thoang thoảng mùi vị man mát của cói tươi. Sau khi cắt, cói được giũ mạnh để làm bong lớp cói ngắn và chết khô rồi được bó gọn gàng thành từng bó chở về gần nhà để chẻ, phơi khô. Đúng vào dịp nghỉ nên cánh đồng cói cũng trở nên rộn ràng, náo nức hơn bởi tiếng nô đùa của trẻ nhỏ, các em ra đồng phụ giúp bố mẹ thu hoạch cói.
Lâm Diệu Linh trải nghiệm cắt cói
Nói thì nói vậy, nhưng đến đây chúng tôi được tận mắt chứng kiến quá trình làm việc vất vả, khó khăn của người nông dân để làm nên chiếc chiếu. Làm chiếu mà không say nghề, yêu nghề thì không làm được. Con em vùng chiếu được tiếp xúc với cói, chiếu từ những ngày còn nhỏ, có lễ vậy mà cũng đem lòng yêu chiếu, yêu nghề từ những ngày thơ ấu và cứ thế, thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia làm chiếu. Đặc biệt hơn, họ là những người phục dựng, gìn giữ linh hồn của làng nghề, những giá trị mà cha ông đã truyền lại bao đời nay. Với sự phát triển của thị trường hiện nay, chúng ta cần phải định hướng rõ ràng để người dân có được đầu ra ổn định và đảm bảo cuộc sống, có như vậy làng nghề mới được giữ gìn và phát huy hơn nữa.
Chúng tôi lăn bánh đến cầu Hàm Rồng vào lúc hoàng hôn buông xuống. Phía cuối chân trời hồng rực, những tia nắng yêu ớt đang tắt dần làm tôi càng làm tôi hồi tưởng về quá khứ lịch sử oai hùng nơi đây. Những chiến thắng, hy sinh ở cầu Hàm Rồng đã góp phần to lớn cho công cuộc thống nhất đất nước, cổ vũ tinh thần chiến đấu của toàn dân tộc. Cầu Hàm Rồng không chỉ là nhân chứng lịch sử mà còn là một địa danh thăm quan nổi tiếng nên đoàn chúng tôi cũng không quên ghi lại những bức hình, những cảnh quay đẹp tại nơi đây.
Chị Lâm Diệu Linh khoe sắc trong trang phục dạ hội
Kết thúc một ngày đầu tiên trong chuyến hành trình, chúng tôi được về khách sạn nghỉ ngơi. Một ngày trải nghiệm cũng khá vất vả dưới cái nắng nóng oi bức của mùa hè và cũng không ít những khó khăn, thử thách nhưng ai cũng cảm thấy vui vẻ và vẫn tràn đầy hứng khởi để chào đón chặng đường tiếp theo. Chính sự quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau của các nhân vật trong hành trình đã giúp chúng tôi xoa dịu đi rất nhiều những khó khăn, vất vả, quên đi cái nắng nóng khó chịu ngày hè. Chúng tôi được chào đón bằng bữa tiệc tối, dạ hội bên những bộ trang phục dạ hội sang trọng, cá tính và cùng nhau trao đổi về những công việc, kinh nghiệm trong cuộc sống thường ngày, xua tan mọi mệt nhọc và lấy lại tinh thần cho chặng hành trình ngày mới.
Sáng hôm sau, chúng tôi rời khách sạn từ tờ mờ sáng, đến bãi biển Tiên Trang để đón bình minh. Cảm giác được đón ánh nắng ngày mới, hít thở không khí trong lành thật là sảng khoái. Thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta một đường bờ biển dài với hàng ngàn đảo lớn nhỏ, hàng loạt những bãi cát trắng, nước trong xanh tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch biển phát triển. Có đến bãi biển vào sáng sớm, chúng ta mới cảm nhận hết được sự yên bình, nên thơ và vẻ đẹp kỳ vĩ của vùng biển cả.
Lâm Diệu Linh và các bạn đồng hành vui đùa dưới nắng
Vẻ đẹp nơi đây cũng vô cùng hấp dẫn. Những cô gái trẻ năng động, khỏe khoắn, bản lĩnh và đầy cá tính đã có không ít những bức hình đẹp bên chiếc ô tô kiểu dáng thể thao tại bãi biển này. Chúng tôi hòa mình vào vẻ đẹp thiên nhiên cùng với sự tự tin của bản thân đã ghi lại được rất nhiều khoảnh khắc, những tấm hình sinh động thể hiện được những tố chất của người phụ nữ hiện đại thời thế giới phẳng 4.0. Không những thế, chúng tôi còn được thực hiện những kỹ năng lái ô và xử lý sự cố trên những đoạn đường xấu, cát trắng xô bồ và những chặng đường dài xuyên suốt hành trình. Những kỹ năng đó giúp ích cho chúng tôi rất nhiều trong cuộc sống.
Lâm Diệu Linh và các bạn đồng hành xử lý sự cố xe
Và sau đó chúng tôi dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu cuộc sống của làng chài nơi đây. Cuộc sống của các hộ dân trên sông nước khá giản dị. Bao nhiêu con thuyền là bấy nhiêu cảnh đời, câu chuyện khác nhau, nhưng tất cả đều chung ước mơ cho một cuộc sống tươi đẹp hơn. Chúng tôi không ngại phụ giúp những người dân thu gom cá, khiêng từng rổ cá đến địa điểm tập kết…Qua đó, chúng tôi cũng thấu hiểu phần nào về cuộc sống khó khăn và vất vả của người dân làng chài. Tôi tin rằng, với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, người dân nơi đây sẽ sớm tìm ra được lối thoát cho một tương lai sáng lạng cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương.
Lâm Diệu Linh và các bạn đồng hành giúp đỡ dân chài
Rời bài biển Tiên Trang, chúng tôi đến bãi Đông. Bãi biển nơi đây vẫn còn khá hoang sơ, chưa nhiều khách du lịch biết đến. Nhưng có lẽ trong thời gian không xa nữa, bãi Đông sẽ phát triển không kém gì những bãi biển khác vì cảnh biển ở đây cũng rất đẹp và nên thơ. Chúng tôi đi dọc bờ biển thu gom rác, túi nilong…góp phần làm sạch môi trường và trả lại vẻ đẹp thanh bình vốn có của biển cả. Cảnh nơi đây cũng khá thu hút nên chúng tôi cũng đã ghi lại được rất nhiều khoảnh khắc đẹp với rất nhiều bức ảnh đẹp, lột tả được vẻ đẹp của người phụ nữ Việt với sự trẻ trung, năng động, tự tin và vô cùng quyến với bộ bikini nóng bỏng.
Sau ngày trải nghiệm thứ 2 cũng vô cùng ý nghĩa và nhiều cảm xúc, buổi tối đoàn chúng tôi cắm trại bên bãi biển Sầm Sơn. Mọi người ngồi quây quần cùng nhau hát hò, trò chuyện vui vẻ đến tận đêm khuya.
Lâm Diệu Linh và các bạn đồng hành đốt lửa trại ở Sầm Sơn
Ngày thứ 3 trong chuyến hành trình, chúng tôi được trải nghiệm ở Central hotel. Phải nói rằng, khu nghỉ dưỡng ở dây được thiết kế rất độc đáo, đem lại cảm giác thư giãn, không gian thoáng đãng, phong cảnh hữu tình với rất nhiều dịch vụ đẳng cấp, đa dạng. Trong chuyến trải nghiệm này, chúng tôi còn được tác nghiệp tại khách sạn với các hoạt động tại bể bơi, team work, trải nghiệm tại dịch vụ các phòng nghỉ, khách sạn, resort giúp chúng tôi có thêm nhiều hiểu biết cơ bản về các dịch vụ nghỉ dưỡng này.
Lâm Diệu Linh trải nghiệm ở khách sạn
Điểm đến tiếp theo của hành trình là đền Bà Triệu. Đền Bà Triệu xưa nay vẫn nổi tiếng là ngôi đền đồ sộ với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt giữa rừng sông nước hiền hòa hay những lễ hội tấp nập khách thập phương. Đúng vậy, khu di tích Đền Bà Triệu không chỉ là chốn linh thiêng với các quần thể kiến trúc có giá trị về lịch sử văn hóa mà còn là nơi có phong cảnh đẹp để du khách tưởng niệm và tham quan vãn cảnh.
Điểm cuối cùng chúng tôi được đặt chân đến trong hành trình này là thành nhà Hồ, một di sản văn hóa thế giới, đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Đây là một công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật, nghệ thuật xây dựng đá. Đây là một trong số ít di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thi hóa, cảnh quan và quy mô kiến trúc gần như còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, cùng với việc phát triển du lịch, chúng ta cũng cần chú trọng việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của công trình độc đáo, mang tính lịch sử này.
Lâm Diệu Linh và các bạn đồng hành trải nghiệm ở thành nhà Hồ
8h tối, đoàn chúng tôi rờ thành nhà Hồ về Hà Nội. Nhưng một sự cố đã xảy ra, xe của chúng tôi bị hỏng lốp, chúng tôi loay hoay sửa mãi đến 9h mới xong. Cả đoàn ai cùng thấm mệt nên chúng tôi tìm đến một nhà hàng ngày gần đó để ăn tối. Thật không may khi một bạn trong đoàn phát hiện để quên túi sách và bị mất. Cả đoàn quay lại thành nhà Hồ để hỏi bảo vệ khu vực đó, chúng tôi đã phải ngồi kiểm tra lại camera hơn 3 tiếng đồng hồ để xem ai nhặt được chiếc túi. Cuối cùng cũng tìm được thông tin và tìm lại được chiếc túi, cả đoàn ai cũng thở phào nhẹ nhõm trong niềm vui hân hoan.
Cả đoàn quay trở lại Hà Nội khi đêm đã về khuya lúc 11h30. Mọi người rôm rả trò chuyện, cái mệt mỏi, buồn ngủ tiêu tan đâu hết. Chẳng mấy chốc đã về đến Hà Nội, lúc đó cũng 2h sáng. Cả đoàn vui vẻ chia tay nhau nhưng vẫn có chút gì đó hơi tiếc nuối, thật khó diễn tả.
Kết thúc 3 ngày trải nghiệm, chúng tôi – những nữ doanh nhân năng động, tự tin, bản lĩnh… lại trở về với cuộc sống thường ngày. Nhưng những gì thu lại được từ cuộc hành trình sẽ còn đọng lại mãi. Hơn ai hết, tôi cảm thấy mình tham gia cuộc trải nghiệm này là hoàn toàn đúng và ý nghĩa. Đó không chỉ là một cuộc hành trình trải nghiệm văn hóa mà còn là một kho báu những kiến thức, những kinh nghiệm cuộc sống mà tôi đã rút ra được từ cuộc trải nghiệm đầy ý nghĩa và thiết thực này.
NĐVN