Cô gái Hà Nội làm giàu từ ruốc nấm
- Được viết ngày Thứ hai, 04 Tháng 6 2018 02:11
nguoidepvn.vn - Gia đình gặp biến cố, người thân bệnh nặng, Phạm Hồng Vân từng nghỉ học, chạy ăn từng bữa bằng đủ nghề trước khi là bà chủ Nấm Tươi Cười.
Trước giờ lên đường sang Australia dự diễn đàn doanh nghiệp dành cho nữ doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, chị Phạm Hồng Vân vẫn miệt mài thảo luận các kế hoạch kinh doanh với nhân viên.
Ở tuổi 34, chị Vân là bà chủ một nhà máy chế biến thực phẩm, không còn cảnh còng lưng xé nấm hay một mình chở tải nguyên liệu trăm kg trên chiếc xe cà tàng giữa đêm đông Hà Nội như thủa mới đôi mươi. Nhìn lại chặng đường khởi nghiệp 8 năm, cô gái Hà Nội năm nào giờ tự tin với thành quả đạt được.
Nữ doanh nhân Phạm Hồng Vân (1984) nổi tiếng tại các cuộc thi khởi nghiệp với sản phẩm giò, ruốc làm từ nấm dành cho người ăn chay và mắc bệnh tim mạch.
Sinh ra trong gia đình có bố mẹ làm kinh doanh, thời thơ ấu của Hồng Vân trôi qua êm đềm, đầy ắp tình yêu thương và sự chăm sóc. Nhưng những tháng ngày ấy nhanh chóng qua đi khi biến cố ập đến với gia đình năm Hồng Vân học cấp 2.
Gia đình phá sản, bố và chị gái lâm bệnh nặng khiến cuộc sống của cô gái trẻ hoàn toàn thay đổi. Thi đỗ đại học nhưng Hồng Vân ngậm ngùi gác lại chuyện học hành vì nhà không có điều kiện.
18 tuổi, Phạm Hồng Vân làm nhiều việc để kiếm tiền, từ nhân viên phát quà khuyến mại, nghiên cứu thị trường đến dạy tiếng Anh…
Vất vả mưu sinh nhưng giấc mơ đại học chưa bao giờ tắt trong lòng chị. Năm sau, Hồng Vân thi đỗ khoa Marketing Thương Mại của ĐH Thăng Long Hà Nội.
Phạm Hồng Vân thuyết trình sản phẩm ruốc nấm trong cuộc thi Startup Việt Nam 2017.
"Tôi luôn bị giằng co giữa việc đi làm hay tiếp tục học. Cuối cùng, tôi quyết định vừa học vừa làm; vất vả nhưng đó là ước mơ mà tôi hằng mong muốn", chị Vân tâm sự.
Trong thời gian là sinh viên, với vốn tiếng Anh tốt, Hồng Vân xin được việc làm tại khách sạn 5 sao. Công việc này giúp chị tích lũy nhiều kinh nghiệm để bắt đầu chặng đường khởi nghiệp sau này.
Cơ duyên đến với món ruốc nấm
Cuộc sống vất vả, bất lực trước bệnh tật của bố và chị gái khiến Hồng Vân rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài. Năm 2010, thông qua lời giới thiệu của một người quen, Hồng Vân tìm đến lớp học thiền để cải thiện tâm trạng u uất.
Hiện nay thương hiệu Nấm Tươi Cười có 5 loại ruốc nấm khác nhau và sản phẩm giò nấm. "Tôi đến lớp học thiền với tâm thế dò xét nhưng không ngờ lại gắn với lớp được hơn 3 năm. Tại đây tôi tìm được chính mình và bất ngờ hơn, nơi này đem lại mối duyên lành để tôi khởi nghiệp dự án Nấm Tươi Cười", chị Vân tâm sự.
Thời gian học thiền, chị Vân được sư phụ giới thiệu về công dụng của các món ăn chay. Chị Vân ấn tượng nhất với hương vị của món ruốc nấm lạ miệng, thơm ngon và có hàm lượng dinh dưỡng cao nên nhờ sư phụ chỉ dạy cách thực hiện món này.
"Về nhà tôi làm ngay ruốc nấm để đãi mọi người, ai cũng khen ngon và từ đó nó trở thành món ăn yêu thích của gia đình. Thành phần dinh dưỡng trong nấm cũng cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe của người thân tôi", Hồng Vân kể.
Dần dần hàng xóm, bạn bè đến chơi thử qua món ruốc nấm đều yêu thích và đặt hàng Vân. Trong lúc gia đình phải chạy ăn từng bữa thì việc kiếm thêm thu nhập với cô gái trẻ luôn là ưu tiên hàng đầu. Ban ngày đi làm nhân viên khách sạn, buổi tối Vân cùng mẹ chế biến ruốc nấm để tạo thêm nguồn thu cho gia đình.
Phạm Hồng Vân giới thiệu sản phẩm ruốc nấm đến người tiêu dùng.
Khách đặt mua ruốc nấm ngày càng nhiều khiến có hôm chị Vân và mẹ thức xuyên đêm chế biến để kịp đơn hàng.
"Lúc mới bắt đầu, tôi và mẹ chỉ làm thủ công. Đơn hàng nhiều lên, hai mẹ con xé nấm đến sưng đầu ngón tay", chị Vân nhớ lại.
Dần dần hai mẹ con chị Vân nghiên cứu và tạo ra nhiều sản phẩm ruốc từ nấm để đáp ứng thêm nhu cầu của người dùng. Cô Hòa 34 Bát Sứ là tên thương hiệu đầu tiên Hồng Vân đặt cho sản phẩm.
Thương hiệu Nấm Tươi Cười ra đời
Năm 2013, lần đầu Hồng Vân đem thương hiệu ruốc nấm Cô Hòa 34 Bát Sứ đến với một cuộc thi khởi nghiệp nhỏ tại Hà Nội. Bất ngờ đến với cô chủ 8X khi sản phẩm lọt vào mắt xanh của Tổ chức Thriive, Mỹ.
Bằng sự đam mê và quyết đoán, Phạm Hồng Vân đã chinh phục được những nhà đầu tư khó tính đến từ nước ngoài. Ruốc nấm Cô Hòa 34 Bát Sứ được quỹ Thriive đầu tư số tiền 10.000 USD.
Sau cuộc thi, ruốc nấm Cô Hòa 34 Bát Sứ chính thức đổi tên thành Nấm Tươi Cười. Nhận được số tiền đầu tư, Hồng Vân bắt tay vào hoàn thiện quy trình nghiên cứu sản phẩm và công nghệ chế biến. Công ty cổ phần DHA ra đời từ đó (nay đổi tên thành Công ty cổ phần Emmay) và Hồng Vân đảm nhận vị trí CEO đến nay.
Đồng hành cùng Nấm Tươi Cười, Hồng Vân đảm nhận hai dự án về thực phẩm sạch và chế biến thủy sản. Tích lũy được nhiều kinh nghiệm kinh doanh nhưng Vân gặp không ít khó khăn khi khởi nghiệp như: tìm kiếm nhà cung cấp nguyên liệu sạch, quản lý nhân sự, kêu gọi thêm vốn đầu tư... Chưa kể, sản phẩm ruốc nấm còn xa lạ trên thị trường và giá thành cao hơn ruốc thông thường nên khó tiếp cận người tiêu dùng.
Cô gái trẻ không ngừng học hỏi, tham gia nhiều khóa học, nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia để chuẩn hóa quy trình sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường.
"Từ việc kinh doanh tự phát ban đầu chuyển sang hình thức doanh nghiệp là việc làm táo bạo. Chúng tôi đã phải dành nhiều tâm huyết để cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã và mở rộng thị trường", chị Vân cho hay.
Sau nhiều nỗ lực, năm 2016 Hồng Vân xây dựng được nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Gia Lâm, Hà Nội. Nhà máy có công suất 12.000 sản phẩm mỗi tháng, cung cấp 5 loại ruốc nấm khác nhau và giò nấm.
Phạm Hồng Vân và các cộng sự tại nhà máy sản xuất ở Gia Lâm, Hà Nội.
Năm 2017, dự án Nấm Tươi Cười giành giải quán quân cuộc thi Startup Việt Nam và mở ra nhiều bước ngoặt lớn.
"Sau cuộc thi, sản phẩm của chúng tôi được nhiều người biết đến hơn. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước ngỏ lời hợp tác. Quan trọng nhất tôi tìm được cho mình đội ngũ cộng sự giỏi", chị Vân nói.
Trong năm nay, dự án Nấm Tươi Cười sẽ ra mắt thêm nhiều sản phẩm mới như: nước uống, snack, gia vị, bánh kẹo được chiết xuất từ nấm.
Đi lên từ hai bàn tay trắng, nữ CEO 8X cho rằng con đường kinh doanh không bao giờ bằng phẳng mà là một biểu đồ hình sin đầy thăng trầm. Với chị, quan trọng nhất khi khởi nghiệp là dám ước mơ và hành động để hiện thức hóa nó.
Việt Tường/ Theo ngoisao.net