Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương: Trên tất cả, ba tôi vẫn là người đàn ông của gia đình
- Được viết ngày Thứ năm, 29 Tháng 6 2017 02:57
Nguoidepvn- Lần đầu tiên, chuyện “thâm cung bí sử” của một trong những gia tộc quyền lực nhất trên thương trường Việt được tiết lộ. Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương nghĩ gì khi phơi bày tất cả, từ vụ án “con ruồi 500 triệu”, Ngân hàng Xây dựng đến mồ hôi và nước mắt, tình yêu và hận thù xảy ra với gia đình?
Hãy cùng theo dõi những câu trả lời đầy hấp dẫn của doanh nhân Trần Uyên Phương - người chắp bút cho Chuyện nhà Dr Thanh vẫn đang gây sốt.
Thân chào chị Uyên Phương! Liệu bây giờ có nên gọi chị là nhà văn Uyên Phương, thay vì một nữ doanh nhân tài ba. Nhất là sau khi cuốn Chuyện nhà Dr Thanh ra mắt đã tạo được sự quan tâm trong dư luận?
Tôi không hề có ý tưởng to tát trở thành một nhà văn chuyên nghiệp. Đó là một nghề không chỉ cần năng khiếu, mà người ta phải dâng hiến cả cuộc đời cho nó. Tôi chỉ như một người vô tình đi thoáng qua làng văn. Cuốn sách là những ghi chép, cảm xúc thật về gia đình và dòng họ, với mong muốn chia sẻ những bài học được rút ra trên con đường khởi nghiệp và cuộc sống của tôi.
Nữ doanh nhân - nhà văn trẻ Trần Uyên Phương
- Dư luận dường như bị thu hút bởi cái tứ “phơi bày bí mật gia tộc”. Nhưng thực sự, chị gửi gắm thông điệp gì tới bạn đọc, tới những người đã đồng hành cùng thương hiệu Tân Hiệp Phát (THP) qua hơn 20 năm thăng trầm?
“Bí mật gia tộc” là một phần nội dung trong cuốn sách. Tôi muốn gửi đến độc giả những ghi chép chân thực nhất, bởi cuốn sách sẽ chẳng còn đầy đủ ý nghĩa nếu không phản ánh đầy đủ sự thật. Dù những người yêu mến Chuyện nhà Dr Thanh bị cuốn hút bởi chi tiết này hay ngẫm nghĩ nhiều hơn về các thông điệp, tôi vẫn thấy hạnh phúc. Bởi đó là sự ghi nhận giá trị cơ bản đối với một tác phẩm.
Riêng cá nhân mình, tôi mong cuốn sách là món quà tặng ý nghĩa nhất dành cho ba má tôi và cũng là tỏ lòng tri ân những người bạn đã đồng hành cùng Tân Hiệp Phát suốt hơn 20 năm qua. Khi khép lại những trang cuối, tôi cũng ước ao cuốn sách nhỏ này có thể mang thêm chút ý nghĩa cho các bạn trẻ khi bước vào đời để luôn thành kính, ngưỡng vọng về những bậc sinh thành, cùng nắm tay nhau xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc. Còn nếu để khoe sự thành công trên thương trường của Dr.Thanh và Tân Hiệp Phát thì đã có hàng ngàn bài báo trong và ngoài nước, kể cả những bài ném đá, vùi dập không thương tiếc do sự thành công của chúng tôi...
- Qua tự sự của chị, nhiều người bất ngờ khi biết quá trình thu thập tư liệu, hoàn thiện cuốn sách kéo dài suốt gần 10 năm. Điều gì khiến một cuốn sách viết về gia tộc lại cần sự kỳ công và kéo dài đến thế?
Trước hết, tôi vốn không phải một nhà văn, trong khi công việc kinh doanhcủa tập đoàn vô cùng bận rộn. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng, một cuốn sách cần có giá trị nào đó với số tiền độc giả bỏ ra và dành thời gian đọc, suy ngẫm về nó. Tôi đã học được quá nhiều từ ba mẹ, nên tôi muốn chia sẻ những bài học này với các bạn trẻ để giúp các bạn có tư duy, định hướng đúng. Đó là những bài học không chỉ từ thất bại, mà quan trọng hơn, từ con đường vượt qua những thất bại để đi đếnthành công của nhà sáng lập Tân Hiệp Phát.
- Ba chị, CEO Trần Quí Thanh có biết về dự án đặc biệt kéo dài gần 10 năm của con gái? Ông đã phản ứng thế nào trước món quà đầy ý nghĩa chị dành tặng?
Tôi thật sự viết rất bánh bèo trong sách. Nhưng trả lời câu hỏi ba có vui không lại không phải điều tôi thực hiện. Tôi đã nhờ 'thám tử' của tôi dò hỏi xem cảm xúc của ba thế nào?. Cuối cùng chính MC – Nghệ sĩ Chí Trung là người đã hỏi cảm xúc của ba tôi trên sân khấu. Ông nói “con mình viết cho mình một bức thư mình đã vui huống hồ gì viết cho mình cả cuốn sách...”
Gia đình của nữ doanh nhân
- Trở lại với nội dung rất được quan tâm của Chuyện nhà Dr Thanh. Chị có thể chia sẻ một chút về cuộc sống, cách gia đình mình vượt qua những sự kiện như vụ án “con ruồi 500 triệu” hay Ngân hàng Xây dựng?
Như đã đề cập, giá trị cuốn sách nằm ở những ghi chép chân thực nhất. Thời gian trôi qua, diễn biến nội dung các sự kiện sóng gió xảy ra với Tân Hiệp Phát như “con ruồi 500 triệu” hay đại án Phạm Công Danh vẫn còn nguyên đó, trên hàng trăm, hàng ngàn bài báo. Những thời khắc gian nan đó, các thành viên gia đình lại cùng siết chặt tay nhau, với tình yêu thương sâu sắc để vượt qua cơn bão lớn. Tôi mong quý độc giả sẽ đọc và đánh giá qua những dòng ghi chép cụ thể.
- Nghe nói trong Chuyện nhà Dr Thanh, chị tiết lộ cả chuyện từng khuyên má ly dị ba. Chị không sợ điều này làm hỏng hình ảnh hạnh phúc tròn trịa của gia đình, làm gợn lên những nghi vấn về “sóng gió” tình cảm trong quan hệ vợ chồng của ba má?
Tôi muốn ghi lại những xúc cảm chân thật nhất về ba má, về những thăng trầm trong cuộc sống hàng ngày giữa các thành viên gia đình. Mà với bất kỳ gia đình bình thường nào khác, những mâu thuẫn, bức bối, va chạm là điều thật khó tránh khỏi. Ba tôi, bên cạnh hình ảnh một doanh nhân, trước hết là người chồng, người cha bình như hàng triệu người đàn ông bình thường khác khác. Bởi thế, tôi không chút lo ngại khi kể về những tình tiết “nhạy cảm” như khuyên má ly dị ba. Có những khoảnh khắc như thế, tôi thấy gần gũi hơn, trân trọng hạnh phúc gia đình hơn bao giờ hết.
- 10 năm viết sách tặng ba. 10 năm dành trọn cả tuổi thanh xuân chèo chống cơ nghiệp gia tộc. Dư luận biết về Trần Uyên Phương bởi hình ảnh người kế thừa đã tận tụy hy sinh trọn vẹn cho Tân Hiệp Phát. Vậy sau Chuyện nhà Dr Thanh, chị có nghĩ đến một món quà đặc biệt khác tặng ba. Chẳng hạn như một tình yêu, một mái ấm hạnh phúc riêng?
Trả lời câu hỏi này thật không dễ dàng. Có được người bạn đồng hành như ba má tôi, tôi nghĩ đó là hạnh phúc lớn trong đời người. Và đó là món quà Thiên Chúa ban tặng bên cạnh sự tự hoàn thiện mình. Nên tôi nghĩ chuyện hạnh phúc, nhân duyên chẳng ai nói trước được.
- Sách chưa phát hành rộng rãi. Nhưng ngay trên website Tranquithanh.com, gần 4.000 cuốn đã được đặt chỉ trong thời gian ngắn. Chị có bất ngờ trước sự quan tâm này? Và liệu, Chuyện nhà Dr Thanh sẽ được in số lượng lớn để phát hành rộng rãi tại hệ thống các nhà sách trong thời gian tới?
Đây là cuốn sách tôi vượt qua rất nhiều rào cản và dư luận để phát hành. Tôi mong muốn những bài học mà tôi cho là có giá trị cuộc sống đối với tôi được san sẻ cho các bạn trẻ để cùng học hỏi.
- Số tiền thu được từ việc độc giả đặt mua sách, chị dự định sẽ dùng cho mục đích gì? Nghe nói, Tân Hiệp Phát đã công bố sẽ dành toàn bộ cho hoạt động từ thiện?
Đây là cuốn sách tôi dành tặng cho ba má tôi. Tôi sẽ tặng lại mỗi cuốn sách 20.000 đồng, sẽ để làm quỹ học bổng cho năm học mới của sinh viên.
Chúc chị sức khỏe và luôn thành công!
Thủy Tiên - Theo Sao360