Mối nguy khôn lường phía sau mốt “da nâu nhân tạo”
Nguoidepvn.vn - Để có làn da nâu khỏe khoắn và thể hiện đẳng cấp, rất nhiều người châu Âu thường xuyên sử dụng phương pháp tắm nắng nhân tạo. Thế nhưng 20 phút tắm nắng nhân tạo bằng tia tử ngoại tương đương với 3 giờ phơi dưới ánh nắng chói chang của vùng nhiệt đới.
Với một số người, tắm nắng nhân tạo như “một chất gây nghiện”.
Tại Pháp, vào thế kỷ XIX, chỉ có phụ nữ nông dân mới có làn da nâu do làm việc đồng áng, còn phụ nữ thành thị thì luôn bảo vệ làn da trắng khỏi ánh nắng mặt trời. Xu thế này thay đổi hoàn toàn kể từ năm 1936 khi Pháp bắt đầu áp dụng ngày nghỉ phép được hưởng lương. Mọi người đổ xô về các vùng có nắng rực rỡ và làn da rám nắng trở thành mốt kể từ đó.
Phía sau những lời quảng cáo
Tuy nhiên, càng phơi nắng nhiều, nguy cơ mắc ung thư da càng cao. Hai mươi phút tắm nắng nhân tạo bằng tia tử ngoại tương đương với 3 giờ phơi dưới ánh nắng chói chang của vùng nhiệt đới. Để tránh những hậu quả ngày càng chắc chắn của việc tắm nắng nhân tạo đối với da (ung thư da, lão hóa làn da…), tháng 10/2018, Cơ quan Quốc gia Pháp về An toàn Y tế (Agence nationale de sécurité sanitaire, ANSES) đề xuất cấm giường tắm nắng nhân tạo.
Đa số các cơ sở tắm nắng nhân tạo đều ca ngợi lợi ích của tia cực tím, như chuẩn bị cho làn da tiếp xúc với mặt trời, cung cấp vitamin D… nhưng thực ra, đây chỉ là những lời quảng cáo để thu hút khách hàng. Thay vì có ba loại tia cực tím (UVA, UVB và UVC) trong ánh sáng tự nhiên, các giường tắm nắng nhân tạo (cabine de bronzage) chủ yếu chiếu tia sáng dài (UVA), theo giải thích của bác sĩ Isabelle Catoni, Nghiệp đoàn Bác sĩ Da liễu - bệnh lây lan qua đường tình dục:
“Giường tắm nắng nhân tạo là thiết bị được trang bị các loại máy chiếu tia cực tím UVA, UVB nhằm tạo làn da rám nắng cho khách hàng. Nhưng trong các giường tắm nắng nhân tạo, có nhiều tia UVA hơn là tia UVB (chưa đến 1,5%). Các tia UVA chỉ làm rám nắng làn da một cách tạm thời, nhân tạo, mà người ta hay gọi là rám nắng cuối ngày, trông có vẻ tươi tắn. Và làn da rám nắng này không kéo dài so với làn da rám nắng nhờ tia UVB”.
Vẫn được gọi là “sát thủ thầm lặng” làn da, cho dù con người không cảm thấy tác động, tia UVA thâm nhập sâu vào da, âm thầm tàn phá mọi tầng của da. Tia UVA là nguyên nhân hàng đầu tạo nếp nhăn, gây nám da và làm tăng nguy cơ ung thư da. Mối nguy hiểm này được giáo sư Martine Bagot, trưởng khoa Da liễu, bệnh viện Saint-Louis tại Paris, cảnh báo:
"Các máy tắm nắng nhân tạo được sử dụng để chuẩn bị cho làn da tiếp xúc với mặt trời, nhưng thực ra không phải vậy, mà là để khách hàng tiếp xúc tia tử ngoại ở mức độ cao. Nhưng phải nói rằng, càng tiếp xúc với tia tử ngoại, chúng ta càng làm tổn thương đến ADN và càng có nguy cơ mắc ung thư da cao (ung thư biểu mô, hoặc ung thư hắc tố (melanin) - một loại ung thư ở cấp độ nghiêm trọng hơn).
Điều này đặc biệt đúng đối với người còn trẻ, nên các máy tắm nắng nhân tạo hoàn toàn không phù hợp với họ, có nghĩa là đối với những người dưới 25 tuổi, vì nguy cơ mắc ung thư hắc tố còn cao hơn những người khác”.
Trong báo cáo ngày 10/10/2018 gửi lên Bộ Y tế Pháp, Cơ quan Quốc gia về An toàn Y tế nhấn mạnh: “Theo thẩm định hiện nay, các cơ sở tắm nắng nhân tạo phải chịu trách nhiệm về 380 trường hợp ung thư hắc tố hàng năm”. Và gần một nửa số ca ung thư hắc tố ở người dưới 30 tuổi tại Pháp là do tắm nắng nhân tạo.
Bác sĩ Isabelle Catoni giải thích thêm về hiện tượng này: “Vì bệnh ung thư hắc tố, giống như thuốc lá với ung thư phổi, người ta thường nói là tôi hút thuốc, nhưng tôi không mắc ung thư phổi. Tôi tắm nắng, tôi không bị ung thư hắc tố. Nhưng chắc chắn rằng, nhiều năm sau đó, họ sẽ có làn da tàn nhang, họ sẽ có những bệnh ung thư nhỏ về da, không gây chết người, nhưng ngược lại bắt buộc phải bỏ khối u đó. Ngoài ra, làn da của họ đầy những đốm đen nhỏ, cơ bị nhão, tóm lại là làn da của họ sẽ nhăn nheo.
Tại vì khi ta 20 tuổi, chúng ta nghĩ là không chết ngay, rằng thuốc lá sẽ tha chúng ta, rượu không làm chúng ta chới với, và mặt trời cũng sẽ chừa chúng ta ra. Vì vậy, cần phải có những lời lẽ rõ ràng, như thuốc lá làm rụng tóc, ánh sáng mặt trời làm nhăn da và gây nám da mà chúng ta không thể loại bỏ được, hoặc rất khó loại bỏ những vết nám đó”.
Trên thế giới, Úc (năm 2015) và Brazil (từ 2009) là hai nước đầu tiên cấm giường tắm nắng nhân tạo. Tại Pháp, đây không phải là lần đầu tiên Cơ quan Quốc gia về An toàn Y tế đề xuất cấm giường tắm nắng nhân tạo, mà ngay từ năm 2014, đề xuất này đã được đưa ra.
Trước đó, năm 2009, Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (Centre international de la recherche sur le cancer, CIRC) khẳng định các tia cực tím, cũng như giường tắm nắng nhân tạo, bị liệt là yếu tố gây ung thư chắc chắn.
Cơn nghiện khó dứt
Trong thông cáo chung, được công bố nhân tuần lễ phòng ngừa và chẩn đoán các bệnh ung thư da (từ 14-18/05/2018), Nghiệp đoàn Bác sĩ Da liễu, Bộ Y tế Pháp và Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Quốc tế liệt kê nhiều con số đáng lo ngại: “Mỗi năm, gần 80.000 ca ung thư da được phát hiện” và “gần 1.800 người chết vì căn bệnh này”, trong đó khoảng “5% trường hợp mắc ung thư da là do tắm nắng nhân tạo”. Số ca mắc ung thư hắc tố cũng tăng lên: 9.740 ca mới được phát hiện vào năm 2011 so với 8.500 ca mới năm 2009.
Tuy nhiên, những con số đáng báo động trên không làm nản lòng những “tín đồ” tắm nắng nhân tạo, dù ở các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này đều được dán tờ cảnh báo các nguy cơ các bệnh về da. Một số người muốn có làn da rám nắng tươi tắn trong tiết trời Paris ảm đạm, một số khác chỉ muốn chút thời gian thư giãn.
Đáng lo ngại hơn, với một số người, tắm nắng UV như “một chất gây nghiện”. Họ sẵn sàng thay luân phiên các cơ sở tắm nắng để lách quy định chờ 48 tiếng giữa hai buổi chiếu tia UV, nhiều người bỏ xa mức quy định tối đa 40 buổi tắm nắng mỗi năm.
Bác sĩ Isabelle Catoni giải thích thêm: “Vì làn da rám nắng này không kéo dài nên người ta muốn quay lại. Trong khi hiện nay, chúng ta biết rằng chỉ cần một buổi tắm nắng nhân tạo, người ta đã có nguy cơ mắc ung thư. Với 10 buổi như vậy, nguy cơ bị mắc ung thư hắc tố tăng gấp đôi. Và để có được làn da rám nắng lâu dài, người ta phải qua rất nhiều buổi tắm nắng nhân tạo, tận 30, 40, 50 buổi”.
Để giữ khách, nhiều cơ sở tắm nắng nhân tạo đành “nhắm mắt làm ngơ” những quy định liên quan nếu khách hàng nài nỉ hoặc cố tình không theo hướng dẫn về loại da của họ, ví dụ một số khách hàng da rất trắng nhưng lại yêu cầu thời gian tắm nắng hơn 30 phút và kết quả sau đó là da của họ “đỏ như tôm hùm”. Ngoài ra, theo báo cáo của Cơ quan Quốc gia về An toàn Y tế, khoảng 5% người sử dụng dịch vụ tắm nắng nhân tạo là trẻ vị thành niên, trong khi điều này hoàn toàn bị cấm ở Pháp.
Nguy cơ mắc ung thư da do tắm nắng nhân tạo còn tăng hơn do nhiều cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này không tôn trọng nghiêm ngặt các quy định. Tại Pháp, có khoảng 4.500 cơ sở chuyên về tắm nắng nhân tạo với khoảng 15.500 giường tắm nắng. Trên tổng số 982 giường được Tổng cục Cạnh tranh, Tiêu dùng và Trấn áp gian lận (DGCCRF) kiểm tra, có đến 63% trong số này không hợp lệ.
Dù còn phải chờ chính phủ Pháp đưa ra quyết định cuối cùng về việc cấm giường tắm nắng nhân tạo, bác sĩ chuyên khoa da liễu Catherine Oliveres Ghouti, khuyến cáo những người thường xuyên tắm nắng nhân tạo, cũng như những người có hơn 50 nốt ruồi trên cơ thể hoặc những người mà gia đình có tiền sử ung thư da, nên đến khám bác sĩ da liễu để có những biện pháp phòng ngừa và điều trị phù hợp.
Từ 2011, Viện Bác sĩ nhi khoa Mỹ (AAP) đã kêu gọi một lệnh cấm các cơ sở tắm nắng nhân tạo mở cửa đối với khách hàng vị thành niên để ngăn chặn nguy cơ những người này bị ung thư da.
Với động thái trên, AAP đã gia nhập Viện Da liễu Mỹ, Tổ chức Y tế Thế giới và một số nhóm khác trong việc thúc đẩy một lệnh cấm nói trên. Bác sĩ Sophie J. Balk, một thành viên AAP, cho biết: “Số lượng cơ sở tắm nắng nhân tạo còn nhiều hơn cả quán cà phê Starbucks ở Mỹ. Hơn 1 triệu lượt người đến những nơi này mỗi ngày”.
Một cuộc nghiên cứu từ 2011 đã cho rằng việc bắt đầu tắm nắng nhân tạo trước 35 tuổi sẽ làm tăng 75% nguy cơ bị u melanin – một dạng ung thư da có thể gây tử vong. Một nghiên cứu khác cũng cho rằng tạo màu da bằng cách tắm nắng nhân tạo tại các trung tâm làm đẹp có thể gây nghiện.
Thu Bình/Theo Nga Sơn - Baophapluat.vn